Tiêu đề: Tại sao môn xã hội lại được thí sinh chuộng hơn? [In trang] Thành viên: tuantung01 Thời gian: 7/5/2017 17:55:55 Tiêu đề: Tại sao môn xã hội lại được thí sinh chuộng hơn?
Năm nay với các môn trong bài thi KHXH được ra với hình thức trắc nghiệm điều đó thúc đẩy môn Lịch sử lần đầu tiên có số thí sinh đăng ký nhiều hơn các môn KHTN
Sau khi khai giảng năm học được gần một tháng, ngày 28/9/2016, Bộ GD&ĐT mới công bố phương án đề thi . Theo đó, thí sinh đang học lớp 12 (chưa tốt nghiệp THPT) thi theo bài thi chứ không theo môn như những năm trước.
Hơn nữa, hình thức thi của các môn trong các bài thi này được chuyển sang dạng thức trắc nghiệm, ngoại trừ bài thi môn Ngữ văn vẫn theo hình thức tự luận.
Thi trắc nghiệm tác động đến chọn môn
Đề thi bao gồm 5 bài thi. Trong đó, 3 bài thi bắt buộc là Ngữ văn (tự luận, 120 phút làm bài), Toán (50 câu trắc nghiệm, 90 phút) và Ngoại ngữ (50 câu, 60 phút).
Thí sinh sẽ phải thi một trong 2 bài thi tự chọn là Khoa học tự nhiên (KHTN), gồm tổ hợp 3 môn thi độc lập: Vật lý (40 câu, 50 phút), Hóa học (40 câu, 50 phút), Sinh học (40 câu, 50 phút) và Khoa học xã hội (KHXH), gồm tổ hợp 3 môn thi độc lập: Lịch sử (40 câu, 50 phút), Địa lý (40 câu, 50 phút), Giáo dục công dân (40 câu, 50 phút).
Như vậy, một môn học xưa nay vẫn được dạy trong trường phổ thông là Giáo dục công dân, nay lần đầu tiên trở thành môn thi và cũng được tổ chức thi theo phương thức trắc nghiệm.
Số liệu thống kê thí sinh kỳ thi THPT quốc gia 2017 chọn bài thi tự chọn đã cho kết quả ngược với dự đoán trước đó. Số thí sinh chọn bài thi KHXH cao hơn khá nhiều so với số thí sinh chọn bài thi KHTN.
Cụ thể, số thí sinh chọn bài thi KHTN là 322.009 (37,32%). Số thí sinh chọn bài thi KHXH: 418.045 (48,45%). Thí sinh chọn thi cả 2 bài thi: 71.220 (8,25%). Tỷ lệ thí sinh chọn cả 2 bài thi tự chọn tuy chưa vượt quá 10% tổng số thí sinh nhưng con số đã lên đến hơn 70.000 em - cao hơn nhiều lần so với năm 2015 và 2016.
Số thí sinh chọn bài thi KHXH tăng mạnh nhưng điều này không đồng nghĩa việc số thí sinh chọn các môn KHTN giảm. Thống kê cho thấy số lượng thí sinh đăng ký dự thi chọn các môn KHTN vẫn giữ ổn định như các năm trước.
Thống kê về đăng ký xét tuyển cũng cho thấy các tổ hợp xét tuyển truyền thống như khối A (Toán, Lý, Hóa), A1 (Toán, Lý, Ngoại ngữ), B (Toán, Sinh, Hóa), C (Văn, Sử, Địa), D1 (Toán, Văn, Ngoại ngữ) vẫn có tỷ lệ thí sinh đăng ký cao nhất với trên 80% nguyện vọng đăng ký.
Các môn thuộc khối A vẫn đạt tỷ lệ cao nhất, chiếm 1/3 tổng số nguyện vọng đăng ký vào các trường; sau đó là các khối D1, C, A1, B. Khối C cũng đạt khoảng 15% lượng đăng ký, nhỉnh hơn vài năm trước.
Rõ ràng, việc tổ chức thi như thế nào cũng một trong những yếu tố quyết định sự chọn lựa của thí sinh. Năm 2013, khi Bộ GD&ĐT công bố Sử không phải môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, hàng trăm học sinh của một trường THPT đã xé đề cương ôn thi môn này. Liên tục trong 3 năm 2014, 2015 và 2016, khi học sinh được tự chọn một số môn thi tốt nghiệp, Sử là môn có ít lựa chọn nhất.
Tuy nhiên, năm nay, với việc được chọn cả 2 bài thi và dùng bài thi có kết quả cao nhất để xét tốt nghiệp, cộng thêm việc các môn trong bài thi KHXH được ra đề dưới hình thức trắc nghiệm, đây là lần đầu tiên môn sử có số lượng thí sinh đăng ký chọn nhiều hơn các môn thi KHTN.