Với mật độ người nhiễm bệnh ngày càng tăng và mức độ ngày càng nghiêm trọng, viêm mũi và viêm xoang được xem là hai bệnh lý của thời đại. Qua bài viết dưới đây, bạn sẽ hiểu rõ lý do vì sao chúng ta không được chủ quan với hai căn bệnh tưởng chừng như rất đơn giản này.
Cấu trúc của khoang mũi và các xoang
Khuôn mặt được cấu tạo bởi nhiều xương nhỏ ghép lại, tạo ra nhiều hốc rỗng trong khung xương. Những hốc rỗng này cấu hình nên các bộ phận bao gồm mũi ngoài (khoang mũi), mũi trong (hốc mũi) và các xoang cạnh mũi.
Xoang chính là phần sụn xốp phía bên trong xương hay còn gọi là ruột xương, có cấu trúc nhiều hang hốc như san hô. Chức năng của nó là chứa đựng và lưu thông các chất để nuôi xương, làm giảm tỉ trọng của xương mặt, đồng thời góp phần tạo độ vang, ấm và truyền cảm cho giọng nói.
Cấu tạo khoang mũi chia thành 8 nhóm xoang xếp thành bốn đôi tương xứng ở hai bên hốc mũi, mỗi vị trí sẽ có nhưng tên gọi khác nhau như: Xoang hàm, xoang trán, xoang bướm và khoảng 15 - 17 xoang sàng.
Viêm mũi – Căn bệnh phổ biến
Viêm mũi hoặc phổ biến nhất là viêm mũi dị ứng, là một dạng phản ứng hệ miễn dịch của mũi trước các tác nhân kích thích từ môi trường, chẳng hạn như thời tiết, khói bụi, phấn hoa, lông thú vật, nấm mốc và các mùi lạ. Các tác nhân này tác động vào cơ thể qua đường hô hấp, ăn uống hoặc qua da.
Bệnh viêm mũi hình thành tùy thuộc vào sức đề kháng, cũng như sự thích nghi của cơ địa mỗi người trước tác nhân gây bệnh và nó có yếu tố di truyền từ bố mẹ. Ngoài ra, các dị hình ở mũi như gai, lệch vách ngăn cũng dễ gây ra viêm mũi.
Người bị viêm mũi thường phát triệu chứng ngay khi tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như: ngứa mũi, hắt hơi liên tục và không kiểm soát được, chảy nước mũi trong suốt, nghẹt mũi một hoặc cả hai bên.
Các triệu chứng viêm mũi có thể hết ngay sau khi tránh được các tác nhân dị ứng hoặc khi cơ thể được bảo vệ và điều trị với các biện pháp:
Ngưng tiếp xúc với các tác nhân dị ứng: bụi bặm, lông động vật, phấn hoa hoặc khói thuốc lá, v.v. Giữ ấm cơ thể khi trời trở lạnh hoặc có nhiều gió.
Thông mũi nghẹt bằng thuốc kháng Histamin ở dạng xịt hoặc dạng uống với sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Thuốc kháng Histamin chỉ giúp điều trị triệu chứng dị ứng chứ không điều trị được nguyên nhân.
Trong một số trường hợp bệnh nặng, bác sĩ có thể yêu cầu sử dụng phương pháp tiêm thuốc kháng dị ứng (SCIT) hoặc liệu pháp miễn dịch dưới lưỡi (SLIT).
Viêm mũi có thể góp phần dẫn đến bệnh hen suyễn, viêm xoang cấp và mãn tính. Vì vậy, nếu các triệu chứng này tiếp tục kéo dài và kèm theo những cơn sốt nhẹ, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị chính xác, tránh biến chứng nặng trước khi quá muộn.
Viêm xoang – Hãy điều trị kịp thời
Viêm xoang là tình trạng nhiễm trùng niêm mạc lót ở các xoang cạnh mũi, gây tắc các lỗ thông xoang. Tùy vào vị trí của xoang mà có các bệnh lý như: Viêm xoang hàm, viêm xoang sàng, viêm xoang bướm, viêm xoang trán, hoặc viêm đa xoang.
Viêm xoang được phân loại theo cấp tính và mãn tính
Viêm xoang cấp tính là tình trạng viêm xoang diễn ra trong một thời gian ngắn, khoảng 98% trường hợp là do vi-rút gây ra. nên không được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Viêm xoang cấp tính có thể chữa khỏi khi được điều trị nội khoa đúng cách và kịp thời.
Viêm xoang mãn tính là khi viêm xoang cấp tính tái phát nhiều lần dẫn đến niêm mạc mũi bị phù nề và liên tục tiết dịch làm tắc các lỗ thông xoang. Người bệnh không thể thở và nhận biết được mùi hương. Khác với cấp tính, viêm xoang mãn tính phải được điều trị ngoại khoa.
Nếu viêm xoang không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời thì sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt ở trẻ em, viêm xoang có thể biến chứng trong ổ mắt, gây ra áp xe hậu nhãn cầu, có thể dẫn đến tử vong. Các biến chứng nguy hiểm khác như: Viêm não, viêm tai giữa, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, viêm phế quản, v.v.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm xoang:
Cơ địa của bạn bị dị ứng với thức ăn hoặc loại hóa chất nào đó làm cho niêm mạc phù nề gây tắc xoang và nhiễm trùng.
Tuyến nhầy của niêm mạc xoang hoạt động quá mức.
Lệch vách ngăn mũi hoặc hậu quả của sâu răng, nhiễm trùng răng hàm trên.
Viêm mũi lâu ngày không điều trị hoặc điều trị không đúng cách sinh ra vi khuẩn và nấm trong khoang mũi.
Sống hoặc làm việc trong môi trường không khí ô nhiễm.
Các triệu chứng chính của bệnh viêm xoang:
Nhức đầu, thường là ở vùng xoang bị viêm.
Nghẹt mũi một bên hoặc cả hai bên mũi.
Chảy dịch mũi: Màu đục, có khi như mủ. Viêm xoang trước thì dịch sẽ chảy ra trước mũi, viêm xoang sau thì chảy xuống họng.
Điếc mũi: Nếu tình trạng nghẹt mũi kéo dài có thể dẫn tới mất khứu giác tạm thời, do niêm mạc bị viêm nặng, phù nề.
Hơi thở có mùi hôi: Các ổ vi khuẩn hình thành ở các xoang bị viêm tạo ra mùi hôi trong hơi thở của người bệnh.
Thăm khám bác sĩ để được điều trị đúng cách, kịp thời và an toàn
Nguyên tắc điều trị viêm xoang là phải giải quyết được các vấn đề:
Giải quyết nguyên nhân gây dị ứng.
Phục hồi chức năng xoang, tái tạo sự dẫn lưu dịch và không khí vào các xoang.
Chăm sóc mũi xoang đúng cách và chọn môi trường sống ít ô nhiễm.
Tùy theo nguyên nhân và giai đoạn của viêm xoang mà người bệnh có phác đồ điều trị khác nhau. Vì thế, người bệnh cần tìm đến bác sĩ để được hướng dẫn và điều trị đúng cách, kịp thời và an toàn, không sử dụng các phương pháp dân gian để tự chữa.
Chẳng hạn với viêm xoang cấp tính, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc giảm đau, chống viêm liều nhẹ với Paracetamol hoặc Ibuprofen, xịt mũi Steroid, kết hợp phun khí dung hoặc rửa xoang bằng phương pháp Proetz.
Điều trị viêm xoang mãn tính không giống với viêm cấp tính. Bởi đa phần viêm xoang mãn tính là biến chứng từ viêm cấp tính kéo dài, nên việc điều trị viêm xoang mãn tính là nhằm kiểm soát tình trạng viêm bằng thuốc xịt mũi hoặc thuốc kháng sinh.
© Copyright 2011-2013 iSoftco®, All rights reserved Văn phòng công ty: P.16/706, Tòa nhà Thành Công, 57 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội Tel: (84-4) 37 875018;(84-4) 3555 8604 | Fax: (84-4) 37 875017 | E-Mail: cho24h@isoftco.com |