Tiêu đề: Thăm quan Thủ Đô Hà Nội : Đền Ngọc Sơn - Chợ Đồng Xuân - Chùa Một Cột - Văn Miếu [In trang] Thành viên: dulichmienbac Thời gian: 12/11/2013 10:55:02 Tiêu đề: Thăm quan Thủ Đô Hà Nội : Đền Ngọc Sơn - Chợ Đồng Xuân - Chùa Một Cột - Văn Miếu - Quốc Tử Giám...
CH - 12/10/2011
THAM QUAN HÀ NỘI
Thời gian : 1 ngày - Khởi hành thứ 3, 5, 7, Chủ nhật
Hà Nội - trái tim của cả nước, của niềm tin và hy vọng. Thủ đô Hà Nội xuất hiện trong lịch sử dân tộc Việt Nam vào năm 1010 với tên gọi Thăng Long mang ý nghĩa “Rồng bay lên”, tượng trưng cho khí thế vươn lên của dân tộc, mở đầu cho một giai đoạn phát triển của đất nước. Với gần 1000 năm tuổi nên có rất nhiều chùa chiền và thắng cảnh cổ kính thiêng liêng. Hà Nội cũng là mảnh đất anh dũng và hào hùng trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ chống Pháp và chống Mỹ. Chính vì vậy Hà Nội cũng là thành phố có vẻ đẹp kiến trúc cổ điển kiểu Pháp, hiện đại kiểu Mỹ. Hãy lắng nghe và ngắm nhìn Hà Nội trong chương trình thăm quan vòng quanh Hà Nội
Giá dành cho 01 thành viên: 32USD
Lưu ý: Giá áp dụng cho khách lẻ & khởi hành hành ngày!
Ngày
Chi tiết tour
Hình ảnh
Ngày 01
07h45: Đón quý khách khởi hành đi thăm quan Hà Nội với điểm đầu tiên Đền Ngọc Sơn (viên ngọc của Hồ Hoàn Kiếm), khu phố cổ Hà Nội (36 phố phường xưa và nay), Chợ Đồng Xuân (khu chợ lớn nhất Hà Nội nơi hội tụ sản vật trên rừng dưới biển của cả nước, thăm khu thành cổ lâu đời của thủ đô). Tiếp tục quý khách đến thăm Lăng và Viện bảo tàng - Nhà sàn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chùa một cột (là di tích lâu đời mang tên chùa Diên Hựu với ý nghĩa phúc lành dài lâu). Đền Quán Thánh (Trấn Vũ quán có pho tượng Thánh Trấn Vũ bằng đồng đen nặng 3600kg) và chùa Trấn Quốc (ngôi chùa cổ nhất ViệtNam từ năm 541). Ăn trưa tại nhà hàng.
Chiều: Thăm viện Bảo tàng dân tộc học nằm trên đường Hoàng Quốc Việt nơi giới thiệu đầy đủ về 54 dân tộc sống trên đất nước Việt Nam, được coi là mái nhà chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam (hoặc quý khách sẽ thăm quan bảo tàng lịch sử Việt nam - 2 lựa chọn). Hành trình tiếp theo sẽ đưa quý khách tới thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
16h30: Kết thúc tour thăm quan tại trung tâm múa rối nước thăng long - Hồ Hoàn Kiếm.
Bao gồm:
Vận chuyển điều hoà theo chương trình.
01 Bữa ăn trưa,.
Hướng dẫn theo chương trình, nhiệt tình vui vẻ và ấn tượng.
Phí thẳng cảnh tại các điểm du lịch
Không bao gồm: Đồ uống, chi tiêu cá nhân, hành lý quá cước…
Lưu ý: Quý khách lưu ý không mặc đồ ngắn, trang phục không lịch sự khi tham gia tour.
Ghi chú :
Trẻ em từ 10 tuổi trở lên mua 01 vé; Trẻ em từ 04 - 09 tuổi mua 75% giá vé người lớn.
02 người lớn chỉ được kèm 01 trẻ em từ 03 tuổi trở xuống, nếu trẻ em đi kèm nhiều hơn thì từ em thứ 02 trở lên phải mua ½ vé.
(chữ Hán: ) là thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời cũng là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại và du lịch quan trọng của Việt Nam. Sông Hồng chảy qua lòng Hà Nội. Hà Nội thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ (châu thổ Sông Hồng), giáp với năm tỉnh: Thái Nguyên ở phía bắc, Bắc Ninh và Hưng Yên ở phía đông và đông nam, Hà Tây và Vĩnh Phúc ở phía nam và phía tây. Giữa 1010 và 1802 (với một số gián đoạn ngắn), Hà Nội là kinh đô của nhà nước Việt Nam độc lập, vì thế hiện nay Hà Nội là thủ đô lâu đời nhất tại Đông Nam Á. Đến đời nhà Nguyễn, kinh đô được dời đến Huế (Hà Nội chỉ giữ vị trí trung tâm Bắc Kỳ). Hà Nội đang tiến tới việc kỉ niệm 1000 năm Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội vào tháng 10 năm 2010.
Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh
Toàn bộ khu di tích lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh rộng 14 ha. Công trình lăng khởi công xây dựng ngày 2-9-1973, trên vị trí của toà lễ đài cũ giữa quảng trường Ba Đình, nơi mà mấy chục năm Hồ Chủ Tịch đã từng chủ tọa các cuộc mít tinh lớn. Lăng được khánh thành và đón khách đến viếng Bác ngày 29-8-1975.
Trước mặt lăng có cột cờ cao 25m. Hàng tre ngà hai bên biểu tượng hình ảnh làng quê Việt Nam luôn ở bên Bác. Hai bên trái và phải ở mặt trước lăng được trồng 18 cây vạn tuế (mỗi bên 9 cây), tượng trưng cho hai hàng kiêu binh. Vào gần hơn, hai bên cửa lăng là 2 cây đại, tượng trưng cho sự trong sạch của Bác.
Lăng cao 21,6m gồm ba lớp. Lớp dưới tạo dáng bậc thềm là lễ đài dành cho đoàn chủ tịch các cuộc mít tinh tổ chức ở đây. Lớp giữa, phần trung tâm của lăng gồm phòng thi hài và những hành lang, cầu thang lên xuống. Quanh bốn mặt là những hàng cột vuông ốp đá hoa cương, nhìn từ bên ngoài, mặt nào cũng thấy năm khoảng đều nhau, gợi nhớ ngôi nhà năm gian quen thuộc của miền quê Việt Nam. Lớp trên cùng là mái lăng hình tam cấp. Nhìn tổng thể lăng có hình bông hoa sen cách điệu.
Trên cao, mặt chính có dòng chữ Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đá hồng ngọc màu mận chín. Bước vào phòng ngoài, trước mặt trên tường đá hoa cương màu đỏ sẫm có hàng chữ vàng óng ánh "Không có gì quí hơn độc lập tự do", dưới đó là chữ ký quen thuộc của Bác. Lên hết cầu thang là tới phòng thi hài, nơi Bác an nghỉ. Phía đầu Bác nằm, trên nền tường ốp đá trắng gắn nổi hình cờ Đảng và cờ Tổ quốc. Hòm kính có thi hài Bác bên trong đặt trên đài hoa được ghép bằng đá đen huyền lấp lánh muôn ngàn hạt sáng. Cách bố trí lối đi từ ba phía cho phép mọi người ngắm Bác được lâu hơn, lối đi rộng nên nhiều người cùng lúc đều được nhìn thấy Bác. Qua lớp kính trong suốt, Bác như vừa ngả lưng chợp mắt. Vẫn bộ quần áo ka ki bạc mầu, dưới chân Bác vẫn là đôi dép cao su giản dị của Người.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi an nghỉ vĩnh hằng của Người, là biểu tượng lòng tôn kính và biết ơn vô hạn của dân tộc Việt Nam đối với lãnh tụ của mình. Từ ngày mở cửa đón khách đến ngày 30 tháng 4 năm 1998, lăng đã đón được 17.929.056 lượt khách đến viếng Bác, trong đó 588.500 người là khách quốc tế.
Quảng trường Ba Đình
Hà Nội là trái tim của nước Việt Nam thì quảng trường Ba Đình là trái tim của Hà Nội. Vì tại đây đã diễn ra những sự kiện trọng đại của thủ đô và cũng là của cả nước. Nơi đây vốn là khu vực Cửa Tây của thành Hà Nội cổ. Đầu thời Pháp thuộc, thực dân phá thành, làm một vườn hoa nhỏ gọi là điểm tròn Puginier. Năm 1945 mới có tên là vườn hoa Ba Đình. Địa danh Ba Đình là để gợi nhớ dải đất Ba Đình ở tỉnh Thanh Hoá nơi đã nổ ra cuộc khởi nghĩa chống Pháp kéo dài từ tháng 9 -1886 đến tháng 1-1887.
Ngày 2-9-1945 nửa triệu nhân dân Hà Nội và phụ cận đã cuồn cuộn đổ về quảng trường này để dự lễ Tuyên ngôn Độc Lập. Lễ đài dựng giữa quảng trường, bốn mặt hình thang phủ vải đỏ, ở giữa có hình nổi ngôi sao vàng nằm cánh. Đúng 14 giờ các vị trong Chính phủ lâm thời đã có mặt trên lễ đài. Nửa triệu người hân hoan, xúc động, im phòng phắc lắng nghe tiếng nói của lãnh tụ. Bác đọc xong, Chính phủ lâm thời tuyên thệ. 2-9-1945 Sau đó, Bộ trưởng bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp trình bày tình hình trong nước và chính sách của Chính phủ. Bộ trưởng bộ Tuyên truyền Trần Huy Liệu báo cáo công việc tước ấn kiếm tại Huế, trình với đồng bào quả ấn và thanh kiếm tượng trưng cho uy quyền của triều Nguyễn mà Bảo Đại đã nộp cho Cách mạng. Đại diện Tổng bộ Việt Minh Nguyễn Lương Bằng nói về cuộc đấu tranh của nhân dân và kêu gọi đoàn kết, đẩy mạnh quá trình Cách mạng. Sau cùng, mít tinh biến thành biểu tình tuần hành trên các đường phố.
Ngày 9-9-1969, sáu ngày sau khi Hồ Chủ Tịch qua đời, cũng tại Quảng trường này, lễ truy điệu Người đã được cử hành trọng thể. Mười vạn đồng bào Thủ đô và các địa phương cùng 34 đoàn đại biểu quốc tế đã tới đây dự lễ.
Nay, mặt chính của Quảng trường - mặt tây- là lăng Hồ Chủ Tịch. Trước lăng là quảng trường với 320m chiều dài và 100m chiều rộng, đủ chỗ cho 20 vạn người dự mít tinh. Quảng trường có 168 ô cỏ bốn mùa xanh tươi, xen giữa là lối đi rộng 1,4m. Giữa quảng trường, trước lăng là cột cờ cao 25m. Hội trường Ba Đình nằm phía Đông của quảng trường, là nơi diễn ra các kỳ họp và đại hội quan trọng của Đảng, Nhà nước và Quốc hội. Quảng trường Ba Đình đã trở thành không gian thiêng liêng của Thủ đô Hà Nội và của cả nước.
Chùa Một Cột
Là một cụm kiến trúc, gồm ngôi chùa và toà đài xây giữa hồ vuông. Cả cụm vốn có tên là chùa Diên Hựu và đài Liên Hoa. Đài này lâu nay quen gọi là chùa Một Cột - hình vuông, mỗi bề 3 mét, mái cong, dựng trên cột đá hình trụ. Cột có đường kính 1,20 mét, cao 4,0 mét (chưa kể phầm chìm dưới đất) đỡ toàn bộ hệ thống những thanh gỗ tạo khung sườn kiên cố cho ngôi đài dựng bên trên, tựa một đoá hoa sen vươn thẳng trên khu ao hình vuông có lan can bằng gạch bao quanh. Từ bên ngoài có lối nhỏ bằng gạch đi qua ao đến một chiếc thang xinh xắn dẫn lên Phật đài. Trên cửa Phật đài có biển đề "Liên Hoa Đài" (Đài hoa sen) ghi nhớ sự tích nằm mộng của vua Lý dẫn tới việc xây chùa. Sử chép: "Lý Thái Tông (1028-1054) chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên toà hoa sen, vua cũng được dắt lên toà. Khi tỉnh giấc vua đem chuyện ấy hỏi các quan... Có người khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa ao, làm toà sen của Phật đặt trên cột như đã thấy trong mộng. Cho các sư chạy đàn, tụng kinh cầu cho vua sống lâu. Vì thế gọi là chùa Diên Hựu (kéo dài cõi phúc)". Đó là vào năm 1049 và như vậy, ngay lúc xây dựng, đã có ngôi chùa và đài hoa sen. Chưa rõ qui mô ngôi chùa như thế nào, chứ qui mô Liên Hoa Đài thì một tấm bia cổ còn ghi: "... Đào Hồ Linh Chiểu, giữa hồ vọt lên một cột đá, đỉnh cột nở đoá hoa sen, nghìn cánh, trên hoa sen dựng toà điện màu xanh đặt pho tượng Quan Âm. Vòng quanh hồ là dãy hành lang. Lại đào ao Bích Trì, mỗi bên đều bắc cầu vồng để đi qua. Phía sân cầu đằng trước, hai bên tả hữu xây tháp lưu ly".
Như vậy qui mô Liên Hoa Đài thời Lý to hơn ngày nay nhiều, cả những bộ phận hợp thành và hình dạng cũng phong phú hơn.Trong thực tế, cụm chùa Một Cột đã qua nhiều lần sửa chữa. Ngày 11/ 9/ 1954 trước khi rút, quân đội Pháp đã cho nổ mìn phá huỷ Liên Hoa Đài. Khi Chính phủ Việt Nam tiếp quản Hà Nội, đã cho làm lại đến tháng 4/1955 thì công việc hoàn thành. Cạnh chùa còn có một cây bồ đề do Tổng thống ấn Độ Prasat tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp Bác sang thăm nước này.
Nhà sàn bác Hồ
Trong khu vườn rộng sau Phủ Chủ tịch, có một con đường hẹp trải sỏi, hai bên trồng xoài dẫn tới một ngôi nhà sàn nhỏ nhắn bình dị, nằm giữa những vòm cây. Hàng rào dâm bụt bao quanh nhà, cổng vào kết bằng cành cây đan xen nhau. Đó là ngôi nhà Bác Hồ ở và làm việc từ ngày 17/5/1958 cho tới khi Người qua đời.
Sau nhà là vườn quả với hàng trăm loài cây quí do các địa phương đưa về trồng, như cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi biếu Bác năm 1954, bưởi Phúc Trạch, Biên Hòa, Mê Linh; cam Hải Hưng, Xuân Mai, Vân Du, Xã Đoài; quýt Hương Cầm, Lý Nhân; táo Thiện Phiến, Ngọc Hồ; song mai Đông Mỹ; hồng Tiên Điền (quê hương nhà thơ Nguyễn Du). Trong vườn còn có cả những loại cây từ nước ngoài như ngàn hoa, cây bụt mọc quanh ao, cây cau vua gốc từ Caribê...
Tầng dưới nhà sàn là nơi Bác thường họp với Bộ Chính trị. Tầng trên là 2 phòng nhỏ, nơi Bác làm việc và phòng ngủ với những vật dụng đơn sơ giản dị. Trước nhà là ao cá Bác nuôi, bên bờ ao là các loài hoa phong lan nở quanh năm. Nhân dân ta từ mọi miền đất nước cũng như du khách quốc tế đến thủ đô Hà Nội, ai cũng muốn đến viếng Lăng, thăm nhà ở của Bác và đi dạo quanh quảng trường Ba Đình lịch sử.
Hồ Tây
Là một hồ lớn ở nội thành Hà Nội, rộng tới năm trăm héc ta. Con đường đi vòng quanh hồ dài tới 17km. Ngành địa lý lịch sử đã chứng minh rằng hồ là một đoạn sông Hồng cũ còn rớt lại khi sông đã đổi dòng. Có thể do sông hồ biến đổi như vậy mà đã xuất hiện nhiều truyền thuyết về hồ và tên gọi của hồ. Ví như theo truyện "Hồ Tinh" thì hồ có tên là hồ (hoặc đầm) Xác Cáo vì chuyện kể là có con cáo chín đuôi ẩn nấp nơi đây làm hại dân. Long Quân mới dâng nước lên phá hang cáo, hang sập thành ra hồ. Theo truyện "Khổng lồ đúc chuông" thì hồ lại có tên là Trâu Vàng.
Truyện kể rằng có ông Khổng Lồ có tài thu hết đồng đen của phương bắc, đem đúc thành chuông. Chuông đánh lên, tiếng vang sang bên Bắc. Vì đồng đen là mẹ vàng nên con trâu vàng phương bắc nghe tiếng chuông liền vùng đi tìm mẹ. Tới đây nó quần mãi đất khiến đất sụt thành hồ. Đó là những tên theo truyền thuyết. Còn theo thư tịch thì thế kỷ XI, hồ này đi vào lịch sử với tên là Dâm Đàm (Đầm Mù Sương).
Tới thế kỷ XV thì gọi là Tây Hồ. Ngoài ra hồ còn có tên là Lãng Bạc, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt giữa quân Hai Bà và quân Hán, là vùng Tiên Sơn tỉnh Hà Bắc. Hồ Tây từ lâu lắm đã là thắng cảnh. Từ đời Lý-Trần các vua chúa đã lập quanh hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí, như cung Thuý Hoa đời Lý tức điện Hàm Nguyên đời Trần nay là chùa Trấn Quốc, cung Từ Hoa đời Lý nay là khu chùa Kim Liên, điện Thụy Chương đời Lê nay là khu trường Chu Vǎn An v.v..
Những ngày sóng gió yên lặng, chơi thuyền hồ Tây là một thú tao nhã. Lướt trên sóng hồ, nhiều thi sĩ đã có những vần thơ đẹp như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến...
Nếu làm một cuộc đi dạo quanh hồ thì đồng thời cũng được thǎm thú khá nhiều di tích và thắng cảnh. Làng Nghi Tàm, quê hương nhà thơ "Bà huyện Thanh Quan" với chùa Kim Liên có kiến trúc độc đáo, làng Nhật Tân nguồn hoa đào mỗi độ xuân về đồng thời tương truyền là nơi Lạc Thị đời Hồng Bàng sinh ra một bọc trứng nở thành bẩy con rồng. Rồi làng Xuân Tảo với đền Sóc thờ Thánh Gióng, làng Trích Sài có chùa Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt lĩnh, rồi sang làng Kẻ Bưởi với nghề làm giấy cổ truyền với đền Đồng Cổ nơi bách quan hội thề đời Lý, làng Thuỵ Khuê với chùa Bà Đanh nổi tiếng một thời, đền Quan Thánh thờ Trấn Vũ.
Ngày nay, một loạt các khách sạn mới được xây dựng bên hồ làm quang cảnh thêm đa dạng. Cùng với hồ Trúc Bạch, hồ Tây làm giàu thêm chất thơ cho nội thành Hà Nội đồng thời cũng làm giàu cho cả Hà Nội về kinh tế, vì đó là những vựa cá đem lại nguồn thu lớn cho thành phố.
Chùa Trấn Quốc
Có thể đây là ngôi chùa vào loại cổ nhất ở Việt Nam. Tương truyền chùa có từ đời Lý Nam Đế (544-548). Thủa ấy, chùa được xây sát bờ sông Cái, có tên là chùa Khai Quốc (mở nước). Đến đời Lê Thái Tông (1434-1442) đổi là chùa An Quốc. Đời Lê Kính Tông (1600-1618) bãi sông lở, dân dời chùa vào hòn đảo Cá Vàng ở giữa Hồ Tây (địa điểm hiện nay) nơi mà các vua nhà Lý đã dựng cung Thuý Hoa và đời Trần đã dựng điện Hàm Nguyên. Đời Lê Hy Tông (1676-1705) đổi gọi là chùa Trấn Quốc.
Khoảng thế kỷ XV (hoặc XVII), do đắp đê Cổ Ngư nên mới có đường nối đê với đảo Cá Vàng. Chùa hiện nay còn giữ được lối kiến trúc độc đáo khác với nhiều chùa: Phía trước là nhà bái đường, rồi đến hậu cung, phía sau mới là hai dãy hành lang và gác chuông. Trong chùa có một số tượng đẹp, đáng chú ý nhất là pho tượng Thích Ca nhập niết bàn bằng gỗ thiếp vàng. Chùa cũng có nhiều bia, cổ nhất là tấm bia dựng năm 1639 do Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính soạn, nội dung ghi lại lịch sử đại tu chùa vào chính năm này. ở sân chùa hiện có cây bồ đề sum xuê cành lá, đó là tặng phẩm của một Tổng thống ấn Độ khi ông tới thăm chùa năm 1959. Năm 1842, vua Thiệu Trị ra Bắc tới đây đổi gọi là chùa Trấn Bắc nhưng dân vẫn dùng tên cũ.
Hồ Hoàn Kiếm
Từ lâu mọi người đều coi hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm) là trung tâm của khu vực nội thành Hà Nội. Các nhà địa lý cho rằng hồ là một đoạn sót lại của sông Hồng sau khi sông đã chuyển dòng. Sự việc sông nước biến thiên ấy diễn ra cách đây hàng nghìn năm nhưng cái tên Hoàn Kiếm thì mới có cách đây ba thế kỷ. Trước đây hồ có tên là Lục Thuỷ vì sắc nước bốn mùa xanh. Tới thế kỷ XV, đổi tên gọi là Hoàn Kiếm do truyền thuyết sau: "Lê Thân (một người đánh cá) theo Lê Lợi chống giặc Minh, tặng cho ông một thanh gươm báu. Thanh gươm này Lê Thân kéo lưới bắt được nên Thân đã tặng lại chủ tướng. Trên gươm có đề hai chữ "Thuận Thiên". Có lần Lê Lợi nhặt được một cái chuôi gươm lắp vừa như in với chiếc gươm của Thân đã tặng. Suốt 10 năm chinh chiến, Lê Lợi luôn dùng thanh gươm ấy xông pha đánh đuổi giặc. Khi dẹp xong giặc, ông trở về Thăng Long. Một hôm ông ngồi thuyền dạo chơi trên hồ Lục Thuỷ bỗng có hai rùa nổi lên. Ông rút gươm trỏ vào rùa thì rùa liền đớp lấy thanh gươm mà lặn đi. Ông cho rằng thần giúp gươm để dẹp giặc, nay giặc yên rồi thần lấy lại gươm, nên vua đổi gọi là hồ Hoàn Kiếm (tức trả gươm)".
Từ thế kỷ thứ XVI trở đi, các vua Lê và chúa Trịnh bắt đầu điểm tô cho hồ này. Xa trông, góc tây nam hồ là gò Tháp Rùa. Tháp chỉ mới có từ thế kỷ thứ XIX thực ra không có giá trị gì về lịch sử cũng như nghệ thuật song do đứng đó một thế kỷ nên thành thân thiết với mọi người qua bao thế hệ.
Đền Ngọc Sơn
Khoảng năm 1739, chúa Trịnh Giang lập cung Khánh Thụy ở trên hòn đảo ngọc làm nơi hóng gió ngày hè. Người em là chúa Trịnh Doanh lại cho đắp ở bờ hồ phía Đông một núi gọi là Độc Tôn để kỷ niệm sự kiện ông ta dẹp được cuộc nổi dậy của dân vùng Độc Tôn ở cuối dãy Tam Đảo. Tới đời Lê Chiêu Thống vào năm 1786, vua này đã cho lính đốt cung Khánh Thụy cùng lúc với Phủ chúa Trịnh. Sang thế kỷ XIX, một ngôi chùa thờ Phật được dựng lên trên nền cũ của cung Khánh Thụy. ít lâu sau lại đổi chùa ra đền chủ yếu thờ Văn Xương, một nhân vật thần thoại coi sóc việc vǎn chương khoa cử và thờ Trần Hưng Đạo, vị anh hùng Việt Nam đã đánh thắng quân Nguyên xâm lược hồi thế kỷ XIII. Ngoài ra trong đền còn có tượng Quan Vũ, một danh tướng đời Thục Hán (Trung Quốc) nổi tiếng về sự trung nghĩa và tượng Lã Tổ nổi tiếng về chữa bệnh, cả hai đều là người Trung Hoa được thần thánh hoá.
Năm 1865, Nguyễn Văn Siêu, một nhà văn hoá lớn của Hà Nội, đã đứng ra sửa lại toàn cảnh khu này. Trên núi Độc Tôn ông cho xây một tháp đá mà đỉnh là hình ngọn bút lông. Trên thân tháp có tạc ba chữ Tả Thanh Thiên có nghĩa là viết lên trời xanh. Có bút tất phải có nghiên. Đi qua tháp Bút tới đài Nghiên: Một cửa cuốn trên có đặt một cái nghiên bằng đá tạc theo hình nửa quả đào. Trên thành nghiên có khắc một bài văn nói về công dụng của cái nghiên mực xét về mặt triết học. Qua đài Nghiên là đến cầu Thê Húc có nghĩa là "nơi đậu lại ánh sáng mặt trời ban mai". Đầu cầu bên kia là Đắc Nguyệt Lâu (lầu được trăng) cũng là cổng đền Ngọc Sơn. Đền có nếp nhà thờ chính. Nếp ngoài là bái đường, nếp giữa là nơi thờ Văn Xương, nếp sau là nơi thờ Trần Hưng Đạo. Trước mặt bái đường là Trấn Ba Đình (đình chắn sóng).
Điều đáng chú ý là khu vực Ngọc Sơn có rất nhiều câu đối từ ngoài cổng đến các nếp nhà thờ, hễ có cột là có câu đối nề, câu đối gỗ của nhiều danh sĩ Bắc Hà. Mảng văn học - câu đối ấy cũng là một kho tư liệu rất quý.
Khu phố cổ
Đặc điểm chung của các phố cổ Hà Nội là nhiều tên phố bắt đầu bằng từ "Hàng", tiếp đó là một từ chỉ một nghề nghiệp nào đó. Thí dụ: Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Mã, Hàng Thiếc...
Du khách mới đến Hà Nội, dạo qua khu phố cổ - phố nghề sẽ thấy được nét khác biệt giữa Hà Nội và các thủ đô khác mà du khách đã đi qua. Từ phía Bắc hồ Hoàn Kiếm đi bộ lần lượt qua các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường là đến chợ Đồng Xuân. Phố Hàng Đào hình thành từ thế kỷ XV, dân ở đây làm nghề nhuộm vải. Thời đó họ chỉ chuyên nhuộm màu đỏ, màu hồng, màu hoa đào... nên có tên gọi là Hàng Đào.
Từ đời Lê (thế kỷ XV) nhiều người Trung Quốc được phép cư trú ở Thăng Long (Hà Nội), họ rủ nhau đến làm ăn buôn bán ở phố Hàng Ngang. Xưa kia ở hai đầu phố có dựng hai cái cổng chắn ngang đường, tối đến đóng lại. Do đó thành tên Hàng Ngang. Như tên gọi, Hàng Đường có rất nhiều cửa hàng bán đường, mứt, bánh, kẹo... Chợ Đồng Xuân đã có hơn 100 năm, là chợ lớn nhất Hà Nội, nơi hội tụ sản vật trên rừng, dưới biển của cả nước. Chợ Đồng Xuân là chiến luỹ oanh liệt của các chiến sĩ cảm tử bảo vệ Hà Nội năm 1946.
Sát với chợ Đồng Xuân là phố Hàng Mã. Mặt hàng truyền thống làm từ các loại giấy màu ở phố này gần như không thay đổi từ khi lập phố. Có khác chǎng bây giờ nhiều chủng loại hàng hơn trước. Hàng năm, vào dịp tết Trung thu của trẻ em (15/8 âm lịch) cả phố Hàng Mã trở thành một chợ bán đồ chơi muôn màu sắc: đèn ông sao, đèn xếp, đèn kéo quân, đầu sư tử... Từ đầu phố Hàng Mã đi thẳng sang phố Hàng Chiếu dài 276m (nơi bán nhiều loại chiếu thảm bằng cói) là đến Ô Quan Chưởng (cửa Đông Hà) di tích khá nguyên vẹn của một trong 36 phố phường Thăng Long xưa.
Một phố nghề rất điển hình: Hàng Thiếc. Đến đây bạn sẽ nghe râm ran tiếng búa gõ vào những mảnh tôn, mảnh thiếc trắng lấp lánh. Những người thợ thiếc ở phố này suốt ngày cặm cụi làm các đồ dùng từ nhỏ đến lớn như chân đèn, thùng, chậu, gáo múc nước, hòm, bể nước... Người các tỉnh cũng về Hàng Thiếc buôn hàng đưa về bán ở các địa phương....
Văn miếu quốc tử giám
Văn Miếu được xây dựng tháng 10/1070 để làm nơi thờ các thánh hiền đạo Nho (Khổng Tử, Mạnh Tử...).
Sáu năm sau (1076), nhà Quốc Tử Giám được xây ở kề sau Văn Miếu, ban đầu là nơi học của các Hoàng tử, sau mở rộng thu nhận cả những học trò giỏi trong thiên hạ.Văn Miếu có tường bao quanh xây bằng gạch. Bên trong cũng có những lớp tường ngăn ra làm năm khu.
Khu thứ nhất bắt đầu với cổng chính, trên cổng có chữ Văn Miếu Môn, dưới cổng là đôi rồng đá mang phong cách đời Lê Sơ (thế kỷ 15). Lối đi ở giữa dẫn đến cổng Đại Trung Môn mở đầu cho khu thứ hai. Hai bên có hai cổng nhỏ. Vẫn lối đi ấy dẫn tới Khuê Văn Các (gác có vẻ đẹp của sao khuê, chủ về văn học), hai bên gác cũng có hai cổng nhỏ. Khu thứ ba từ gác Khuê Văn tới Đại Thành Môn, ở giữa khu này có một hồ vuông gọi là Thiên Quang Tỉnh (Giếng trời trong sáng) có tường bao quanh. Hai bên hồ là hai khu vườn bia, nơi dựng các tấm bia ghi tên những người đỗ tiến sĩ (năm 1993 với sự tài trợ một phần của một tổ chức doanh nghiệp Mỹ, Ban quản lý Văn Miếu đã dựng được tám ngôi nhà che cho các bia này). Tiến sĩ là những người đỗ cao trong các kỳ thi Đình. Ngày trước người đi học sau khoảng 10 nǎm đèn sách đủ vốn chữ để dự thi Hương (tức khoa thi tổ chức liên tỉnh, cứ ba năm mở một khoa. Đạt điểm cao ở kỳ thi này được học vị cử nhân). Năm sau các ông cử tới kinh đô dự kỳ thi Hội. Những người đủ điểm chuẩn sẽ dự tiếp kỳ thi Đình (thi Hội và thi Đình thực ra là hai giai đoạn của một cuộc thi). Trúng tuyển cuộc thi này được gọi là Tiến sĩ. Đỗ Tiến sĩ có thể được bổ làm quan. Hiện có 82 bia, xưa nhất là bia ghi về khoa thi năm 1442, muộn nhất là bia ghi về khoa thi năm 1779. Đó là những di vật quí nhất của khu di tích.
Bước qua cửa Đại Thành là tới khu thứ tư. Một cái sân rộng, hai bên là hai dãy nhà tả vu, hữu vu, vốn dựng làm nơi thờ các danh nho. Cuối sân là nhà Đại bái và Hậu cung kiến trúc đẹp và hoành tráng. Tại đây có một số hiện vật quí: bên trái có chuông đúc năm 1768, bên phải có một tấm khánh đá, trên mặt có khắc bài văn, nói về công dụng của loại nhạc khí này. Bố cục của toàn thể Văn Miếu như vậy muộn nhất là cũng có từ đời Lê (thế kỷ XV- thế kỷ XVIII). Riêng Khuê Văn Các mới dựng khoảng đầu thế kỷ XIX. Nhưng cũng là nằm trong tổng thể qui hoạch vốn có của những Văn Miếu (như Văn Miếu ở Khúc Phụ, Trung Quốc, quê hương của Khổng Tử, có đủ Đại Trung Môn, Khuê Văn Các, Đại Thành Môn, Đại Thành Điện, bia tiến sĩ...). Văn Miếu - Hà Nội thường là nơi tổ chức bình những bài văn thơ hay của các sĩ tử.
Sau khu Đại Bái vốn là trường Quốc Tử Giám đời Lê, một loại trường đại học đương thời. Khi nhà Nguyễn rời trường này vào Huế thì nơi đây chuyển làm đền Khải Thánh thờ cha và mẹ Khổng Tử, nhưng đền này đã bị hư hỏng trong chiến tranh. Văn Miếu là quần thể di tích đa dạng và phong phú vào hàng đầu của thành phố Hà Nội.