Tiêu đề: Tư vấn về điều kiện nhờ mang thai hộ [In trang] Thành viên: asakoiobi Thời gian: 7/3/2016 20:58:13 Tiêu đề: Tư vấn về điều kiện nhờ mang thai hộ
Tóm tắt câu hỏi tư vấn: Chào Tư vấn luật qua tổng đài, vợ chồng em kết hôn đã 7 năm nhưng vẫn chưa có con, sau khi đọc báo được biết pháp luật đã cho phép mang thai hộ nên em muốn hỏi Luật sư em cần làm những thủ tục gì để đảm bảo việc mang thai hộ là đúng pháp luật cũng như khi người mang thai hộ sinh con ra thì em được đảm bảo quyền nuôi con? Em xin cám ơn!
Luật sư tư vấn:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới công ty Luật ASEM Việt Nam, vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Quy định của pháp luật hiện hành cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, tức là cho phép một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con. Và theo quy định tại Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
Theo Tư vấn luật qua tổng đài, Vợ chồng bạn được phép áp dụng biện pháp mang thai hộ khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Theo đó, vợ chồng có quyền nhờ mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
– Vợ chồng đang không có con chung;
– Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Nôi dung tư vấn về y tế bao gồm một số nội dung: các phương án khác ngoài việc mang thai hộ hoặc xin con nuôi; quá trình thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ; các khó khăn khi thực hiện mang thai hộ;… (Khoản 1 Điều 15 Nghị định 10/2015/NĐ-CP).
Nội dung tư vấn tâm lý: xác định cha mẹ con trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; quyền, nghĩa vụ của người mang thai hộ; quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ;… (Điều 16 Nghị định 10/2015/NĐ-CP).
Về tâm lý, vợ chồng nhờ mang thai hộ sẽ được tư vấn các nội dung về: các vấn đề về tâm lý trước mắt và lâu dài của việc nhờ mang thai hộ, người thân và bản thân đứa trẻ sau này; người mang thai hộ có thể có ý định muốn giữ đứa bé sau sinh; thất bại và tốn kém với các đợt điều trị mang thai hộ có thể gây tâm lý căng thẳng, mệt mỏi;…(Khoản 1 Điều 17 Nghị định 10/2015/NĐ-CP).
Khi vợ chồng bạn đáp ứng được các điều kiện nêu trên thì có thể nhờ mang thai hộ, đồng thời người mang thai hộ cũng phải đáp ứng được các điều kiện: là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Thủ tục đăng ký mang thai hộ:
Hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo bao gồm:
– Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ
– Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
– Bản cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào;
– Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận;
– Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
– Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận
– Bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này;
– Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ.
– Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sỹ sản khoa;
– Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên;
– Bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý;
– Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ. Như vậy, gia đình bạn cần chuẩn bị hồ sơ và nộp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra.Tư vấn luật qua tổng đài hi vọng sẽ giúp vợ chồng bạn giải quyết được những vấn đề bạn đang thắc mắc, nếu có thêm bất kỳ thắc mắc nào vui lòng gọi trực tiếp về đường dây nóng 1900.6210 hoặc gửi câu hỏi về email luatasem.qhkh@gmail.com.
Trân trọng! BỘ PHẬN TƯ VẤN LUẬT – CÔNG TY LUẬT ASEM VIỆT NAM