Tôi băn khoăn: Việt Nam nên giữ nguyên mô hình cách ly tập trung hay chuyển sang cách ly tại nhà với các F1? Con gái bạn tôi đang ở Mỹ, phải cách ly tại nhà 14 ngày. Lý do, ngày nghỉ cuối tuần cháu chơi thể thao và ăn uống với bạn thân cùng lớp. Đêm chủ nhật, bạn sốt và đau họng rất nhẹ, kết quả xét nghiệm Covid-19 dương tính vào sáng thứ hai. Con của bạn tôi phải cách ly tại nhà. Cả lớp vẫn đi học bình thường vì không thuộc đối tượng tiếp xúc với bệnh nhân. 7 ngày sau, bệnh nhân hết sốt và xét nghiệm âm tính nên được quay trở lại trường. "Người Mỹ đã không còn sợ bệnh nhân Covid-19, họ chấp nhận sống chung như bệnh cúm mùa", bạn nói, "cách ly tại nhà tuân theo quy trình rất đơn giản". Việt Nam đang ngược lại. Chỉ cần một học sinh dương tính, cả lớp trở thành F1, bắt buộc phải cách ly tập trung. Hình ảnh đã trở nên quen thuộc, những trẻ em ngơ ngác trong bộ quần áo phòng dịch, thậm chí mặc áo mưa, cùng thầy cô cách ly tập trung. Chúng ta đã duy trì hình thức cách ly các trường hợp F1 nghiêm ngặt nhất thế giới trong 16 tháng kể từ khi có ca nhiễm đầu tiên. Bất kỳ ai có tiền sử tiếp xúc với ca bệnh Covid-19 được gọi là F1. Họ phải cách ly tập trung 21 ngày, sau đó tiếp tục ở nhà hạn chế tiếp xúc ít nhất 7 ngày nữa. Hai tháng sau khi WHO công bố đại dịch Covid-19, tỷ lệ tử vong trên ca bệnh ở một số quốc gia rất cao, Bỉ và Anh khoảng 16%, Pháp 15%, Ý 14%, Tây Ban Nha và Thuỵ Điển khoảng 12%. Những con số lây nhiễm và tử vong mỗi ngày đã làm cả thế giới hoang mang, rất ít người hình dung nổi loài người sẽ rủi ro đến đâu. Virus hoàn toàn mới lạ, không ai có kháng thể với nó, không quốc gia nào có kinh nghiệm và kiến thức đối phó với đại dịch. Trước mối đe doạ khẩn cấp, tôi đồng ý rằng Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ nhất là hoàn toàn đúng đắn. Cách ly tập trung là một trong số những biện pháp mạnh như vậy. Cách ly tập trung nghiêm ngặt các trường hợp F1 trở thành biện pháp chống dịch độc đáo. Nó nhanh chóng cắt đứt nguồn lây nhiễm, dập tắt các ổ dịch, đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng. Tính đến ngày 26/4/2021, Việt Nam chỉ có 1.570 ca bệnh, 35 trường hợp tử vong. Con số làm cả thế giới ngạc nhiên. Nhưng ở làn sóng dịch thứ tư này, mọi chuyện đã trở nên rất khác. Trong thời gian rất ngắn, sự gia tăng quá nhanh trường hợp F1 tạo nên gánh nặng đe dọa hệ thống vận hành mạng lưới khu cách ly tập trung, kèm theo đó là chi phí rất tốn kém. Nhưng vấn đề chính tôi quan tâm là tốc độ lây lan của hai biến thể Alpha và Delta - tăng từ 40% đến 90% so với chủng virus Vũ Hán. Quan sát tại Việt Nam, tôi thấy hai biến thể này có tốc độ lây rất cao, gấp hai đến ba lần chủng cũ. Không những thế, trong nhóm bệnh nhân Covid-19 có đến 60% trường hợp không triệu chứng, xét nghiệm nhiều lần âm tính. Sẽ có nhiều người phải đối mặt với rủi ro. Những người mang virus chưa được phát hiện, họ vẫn tiếp xúc mỗi ngày, tiếp tục trung chuyển virus. Một khi quần thể F1 bị trộn lẫn những ca bệnh chưa được phát hiện, sẽ có sự lây nhiễm tương đối lớn, bài học tàu Diamond Princess tái hiện. Vào ngày 20/1/2020, tàu Diamond Princess đi vòng quanh châu Á để quảng bá du lịch, trên tàu có một hành khách 80 tuổi đến từ Hongkong. Ông bị ho trước đó một ngày, kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Tối 3/2/2020, con tàu cập cảng Yokohama nhưng phải thả neo ngoài khơi xa. Chính phủ Nhật Bản phát hiện 10 người dương tính. Trong 26 ngày đứng im trên biển, tàu du lịch Diamond Princess có 712 ca nhiễm trong số 3.711 người trên tàu, chiếm tới 19,2%. Tôi cảm giác con tàu như "lò ấp" virus. Đó là ví dụ minh chứng mạnh mẽ cho luận điểm: khi virus vào được quần thể nhạy cảm, nơi nhiều người bị trộn lẫn, sự lây nhiễm sẽ bùng phát. Bài học này đã được tái hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Tâm dịch Bắc Giang và có thể thêm tâm dịch mới ở TP HCM hôm nay là ví dụ. 79% trường hợp F1 ở Khu công nghiệp Vân Trung chuyển thành F0, 55% tại Công ty Hosiden. Đã hơn một tháng nhưng số ca nhiễm ở các khu cách ly vẫn chưa dừng lại. Mức độ lây nhiễm chéo phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố lưu ý là kích thước nhóm cách ly. Giả sử có một ca bệnh trong phòng cách ly 10 người, dùng chung khu vệ sinh, gần như ngay lập tức 9 người còn lại bị nhiễm. Chưa kể các yếu tố như điều kiện sống khép kín, vẫn có những ngóc ngách lưu thông giữa các phòng cách ly, thói quen sinh hoạt, giao lưu giữa các cá thể trong khu cách ly, ý thức phòng vệ cá nhân, dùng chung khu vệ sinh. Tất cả đều có thể tạo ra những chuỗi lây nhiễm chéo. Vẫn là trường hợp dương tính chưa được phát hiện trên, nếu thực hiện cách ly tại nhà trong điều kiện gia đình bốn người, nguy cơ lây nhiễm sẽ là ba người. Rõ ràng, con số ba khác biệt hoàn toàn với con số 9. Tất nhiên, mệnh đề này chỉ đúng với các trường hợp cá thể hoá cách ly tuân thủ nghiêm quy tắc phòng dịch, không phải cách ly tại chỗ mà vẫn có tiếp xúc. Điều lo ngại nhất khi cách ly tại nhà là gia đình có người già, người có bệnh nền. Tỷ lệ mắc và tử vong do Covid-19 ở nhóm này là chính. Mô hình dân số Việt Nam hiện có 7,7% người già. Tôi tạm ước tính hộ gia đình trẻ có bốn người và hộ gia đình ba thế hệ có 6 người, tức Việt Nam đang có 75% số hộ gia đình trẻ. Tin tốt là trẻ em có tỷ lệ mắc Covid-19 rất thấp, hầu hết biểu hiện lâm sàng rất nhẹ, hiếm khi tử vong. Hệ thống y tế đang chuẩn bị cho một giai đoạn chống dịch rất thách thức là thời điểm để chúng ta thay đổi chiến thuật về cách ly F1. Nếu Việt Nam xây dựng và sớm công bố bộ tiêu chuẩn cách ly tại nhà, trong đó có tiêu chí: hộ gia đình gồm những người trẻ khoẻ, có phòng riêng biệt, kèm theo các tiêu chí khoa học khác, ta hoàn toàn có thể cách ly an toàn các F1. Tôi tin chắc, tỷ lệ lây nhiễm sẽ giảm, đồng thời giảm tải về người và chi phí cho hệ thống y tế quốc gia. Dịch tễ học hiện đại đã và đang thay đổi rất nhiều. Sau hơn một năm rưỡi, loài người cũng hiểu biết hơn về virus. Cách ly tại nhà đúng quy tắc là sự thích nghi dựa trên sự hiểu biết. Nó có thể coi như một bước "tiến hóa" để sinh tồn. Trần Văn Phúc (VnExpress)
|