Gần đây, tôi nhận được điện thoại của một người bạn. Cô cuống quít kể việc trở thành F1 khi bay cùng chuyến có một ca F0.
“Em đang ở sân bay và rất sợ bị điệu đi cách ly tập trung. Em phải làm gì bây giờ?”, cô bạn tôi hỏi dồn dập với giọng hoảng hốt ngay trong câu đầu tiên làm tôi không hiểu được gì. Bạn tôi kể, cô bay vào TP.HCM tối hôm trước để làm việc rồi lại bay ngay ra Hà Nội trưa hôm sau. Ngay khi hạ cánh ở Nội Bài, cô nhận được điện thoại từ cơ quan y tế của TP.HCM báo rằng chuyến bay hôm trước có F0, do đó cô là F1 và đề nghị cô liên hệ với cơ quan y tế ở Hà Nội để đi cách ly tập trung. Nghe vậy, bạn tôi chết đứng và điện thoại ngay cho tôi để nhờ tư vấn. Quả thực tôi rất bối rối. | Điểm phong tỏa khu Mả Lạng ở phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM. Ảnh: Thanh Tùng |
Một mặt, tôi nghĩ, bạn tôi bị đưa đi cách ly tập trung ngay thì quả có phần phản khoa học vì cô ngồi xa tít hàng ghế có ca F0 và, hơn nữa, có phần bất nhẫn. Bạn tôi đang chăm sóc bố mẹ già đầy bệnh tật, mà thiếu sự hỗ trợ hàng ngày của cô, họ không tự chăm sóc được. Cô cũng đang điều hành doanh nghiệp với gần trăm lao động. Cô đi cách ly thì ai điều hành doanh nghiệp, lấy gì để trả lương cho bao nhân viên và gia đình họ. Nhưng mặt khác, tôi lại khuyên bạn nên bình tĩnh để khai báo trung thực và tuân thủ các quy định vì nếu không may trở thành F0 và bị phát hiện thì bạn sẽ gặp rắc rối cực to với dư luận, với chính quyền. Hóa ra, cả tôi và bạn tôi cứ phức tạp hóa vấn đề. Bạn tôi tìm bàn hỗ trợ y tế ở sân bay thì được câu trả lời: chị về nhà tự cách ly. Bạn gọi điện cho phường, nơi đăng ký tạm trú, cũng nhận được câu trả lời tương tự. Cô alo tổ bảo vệ tòa nhà thì được họ dành cho thang máy để lên nhà 1 mình. Tất nhiên, bạn tôi tự cách ly 14 ngày ở nhà và đến giờ bạn thực sự không biết có nhiễm virus hay không. Câu chuyện trên quả là đơn giản nhưng lại gợi lên nhiều điều đáng suy nghĩ trong bối cảnh chính sách chống dịch của chúng ta là đưa F0 đi chữa bệnh, đưa F1 đi cách ly.
Tình hình mới Trước hết, phải nói rõ việc đưa các F1 đi cách ly có mục đích là làm giảm độ rủi ro lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, trong xã hội. Phương châm chống dịch như vậy là hiệu quả trong thời gian đầu, khi các ca bệnh còn ít, năng lực cách ly của các tỉnh còn đủ, bệnh viện còn chưa quá tải, công sức của lực lượng hậu cần còn đủ. Nhờ đó mà thời gian giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, 16 là ít và tăng trưởng kinh tế của nước ta cũng khá hơn nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, đến nay thì dịch bệnh đã khác đi so với trước. Riêng tại TP.HCM có hơn 420.000 người liên quan các ca Covid-19, trong đó có 5.593 người là F1. Tại Bắc Ninh, toàn tỉnh ghi nhận gần 1.100 ca mắc, có tổng số 51.085 trường hợp là F1, F2. Tại Bắc Giang có khoảng 19.181 trường hợp F1 và 86.575 F2. Bản tin sáng 7/6 của Bộ Y tế cho biết, số người cách ly (người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe) là 183.923, trong đó 2.895 người cách ly taập trung tại bệnh viện, 32.406 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 148.622 người cách ly tại nhà hay nơi lưu trú. Chỉ riêng 2 loại bệnh nhân đầu đã vượt quá so với kịch bản cách ly 30.000 người mà Ban chỉ đạo phòng chống dịch đưa ra trước đây để chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất. | Lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân ở Bắc Giang. Ảnh: Bộ Y tế |
Hồi cuối tháng 5, theo phản ánh của đại diện tỉnh Bắc Giang, khi đi các ly tập trung, tỷ lệ F1 âm tính trở thành dương tính lên tới 55% và 79% ở một số công ty. Trước tình huống đó, không phải ngẫu nhiên mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh mạnh dạn tính đến tình huống thí điểm cho F1 cách ly tại nhà, có kết hợp giám sát bằng công cụ công nghệ, và sự giám sát, giúp đỡ của hàng xóm lân cận khi các khu cách ly tập trung không đáp ứng đủ số F1. Theo quy định hiện nay, người nước ngoài và công dân Việt Nam khi nhập cảnh phải có giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay. Quy định này là rất chặt chẽ để đảm bảo người nhập cảnh vào Việt Nam không mang mầm bệnh. Tuy nhiên, tôi rất băn khoăn khi đọc các thông tin từ Bộ Y tế. Chẳng hạn, 12 ca mắc cách ly ngay sau khi nhaập cảnh (thông báo ngày 4/6), 10 ca mắc Covid-19 mới được cách ly ngay sau khi nhập cảnh (thông báo ngày 25/4). Điều này chứng tỏ là gì? Là giấy xác nhận RT-PCR âm tính giả, hay họ lây nhiễm trong thời gian bay, hay thậm chí trong khu cách ly? Theo CDC Hà Nội ngày 31/5, khu cách ly tập trung Trường Quân sự Bộ tư lệnh Thủ đô tại Sơn Tây từ ngày 23/5 đến nay ghi nhận 50 trường hợp F1 dương tính với SARS-CoV-2, riêng ngày 30/5 là 35 trường hợp. Nhận ra vấn đề, lãnh đạo Thủ đô lập tức điều chỉnh bằng cách giãn tải các khu cách ly hiện hữu, thành lập khu cách ly mới và phân loại F1 theo cấp độ nguy cơ.
Tự chịu trách nhiệm với mình Rõ ràng, cách chống dịch ở Hà Nội là khá linh hoạt. Song, đến nay chưa ai trả lời được câu hỏi, làm sao cho F1 cách ly tại nhà! Sau một thời gian, cách chống dịch của chúng ta khá linh hoạt, ví dụ như cho người nước ngoài cách ly còn 7 ngày, thay vì 21 ngày; cho một số doanh nghiệp ở tâm dịch Bắc Giang được hoạt động trở lại để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất toàn cầu. Một số tỉnh đưa ra cách chống dịch cực đoan, lập tức Thủ tướng có công điện nhắc nhở. Dù một số quốc gia chống dịch không tốt, nhưng họ đưa ra khẩu hiệu đề cao trách nhiệm cá nhân: “Bạn ho, sốt, bạn không đi làm, bạn ở nhà! Con bạn ho, sốt, bạn không cho con đi học, bạn cho con ở nhà!” Tôi cho rằng, các cá nhân chúng ta phải tự giác phòng dịch cho mình, cho gia đình để cùng chung tay với Chính phủ chống phong tỏa xã hội. Tôi biết, có những người miệng hô sợ quá, đòi phong tỏa, đòi giãn cách nhưng chân lại đi khắp nơi, tiếp xúc khắp mọi người. Tức là các bạn đòi hỏi người khác chống dịch cho các bạn, đòi hỏi Chính phủ phải thực hiện giãn cách xã hội để bảo vệ bạn và gia đình bạn. Tôi vẫn ấn tượng với một nhận định của Ban chỉ đạo từ hồi tháng 8/2020: “Có thể từ giờ trở đi chúng ta sẽ không còn những khoảng thời gian yên bình như trước nữa. Không thể đòi hỏi trên cả nước tuyệt đối không có dịch bởi nguy cơ dịch bệnh là thường trực ở tất cả các địa phương. Hôm nay dịch bệnh có thể bùng phát ở tỉnh này, ngày mai có thể xuất hiện ở địa phương khác. Chúng ta chỉ có thể chiến thắng được Covid-19 khi nào có thuốc đặc trị, hoặc có vắc xin đặc hiệu”. Đó là thực tế chúng ta đang đối mặt ngày hôm nay, và cách chúng ta điều chỉnh chống dịch để phù hợp với hoàn cảnh đó, trong đó có việc cho F1 tự cách ly. Hơn ai hết, họ tự chịu trách nhiệm với mình và các thành viên gia đình mới là hiệu quả nhất. Tư Giang (Theo Vietnamnet)
|