Thời gian đăng: 16/2/2012 16:37:50
Theo Vietnamnet
Người mẹ không để con chấp nhận thất bại như là một chuyện đương nhiên đã khiến cho cô bé 15 tuổi Lê Nguyễn Quỳnh Anh tại đêm diễn thứ 7 của Vietnam's Got Talent phải chịu đựng búa rìu dư luận. Người ta thấy tội nghiệp cho cô bé và bày tỏ sự tức giận với bà mẹ.
Thực tế, không phải cha mẹ nào cũng có kỹ năng dạy con đối mặt với thất bại.
Sống trong màu hồng, con mới dễ bị sốc
Nếu đọc được những lời bình luận sau cuộc thi tại trang Youtube hoặc các nhiều diễn đàn khác, hẳn Quỳnh Anh có thể một lần nữa bị sốc nếu như cô bé không kịp tỉnh ngộ khi trải qua sự kiện vừa qua.
Với những thành tích mà gia đình đã cố gắng mang đến cho mình từ nhỏ đến giờ, có thể nói: cô bé đã bị giội gáo nước lạnh trước lời nhận xét của nhạc sĩ Huy Tuấn.
Thậm chí, tại cuộc thi ở trường (APC idol 2011), nhạc sĩ Trần Hiếu còn dành cho em những lời có cánh: “Em đã thực sự rất thành công với bài “Tình mẹ” bằng một giọng hát có lực, có lửa, có hồn và em còn được cả dáng người nữa! Em hoàn toàn có đầy đủ mọi tố chất để trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp, xin chúc mừng”.
Người mẹ vì yêu con chưa sáng suốt nên đã “xù lông” để bảo vệ con, nhưng không ngờ lại khiến thất bại của cô bé thêm nặng nề.
Thất bại là đương nhiên và là chuyện... con thỏ
Theo nhà tâm lý Hoàng Nhân, đừng cười câu chuyện này vội, vì đứa con bao giờ cũng là “điểm yếu” của cha mẹ, nhất là khi hát về mẹ với tình cảm tha thiết. Có những cô bé, cậu bé dù còn nhỏ tuổi nhưng đã biết khen rằng mẹ mình mới là người đẹp nhất dù các em đang theo dõi một cuộc thi hoa hậu.
Sự tự tin của thí sinh trong cuộc thi này không xuất phát từ hiểu biết sâu sắc khả năng của bản thân mà là ngộ nhận về bản thân, do háo thắng, và cũng do cô bé chưa bị vấp ngã lần nào, lại sống trong hào quang mà gia đình tạo ra.
Nếu thực sự có tài, cô bé sẽ bình thản với những lời khen, chê, sẽ lui khỏi sân khấu cũng tự tin như khi bước lên sân khấu.
Rất nhiều đứa trẻ cũng có tâm lý ấy, điều này rất phổ biến và là hiện tượng bình thường, tuy nhiên, các bậc cha mẹ, người lớn phải là người giúp trẻ định vị được, vì “ở nhà nhất mẹ nhì con, ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta” như dân gian đã tổng kết.
Nhiều người cho rằng chương trình Vietnam’s got talent dường như cố tình “cài bẫy” vì đã đưa phần giới thiệu về bản thân Quỳnh Anh hơi kỹ hơn so với các thí sinh khác, có độ vênh giữa lời giới thiệu và phần thể hiện. Tuy nhiên, nhà tâm lý Hoàng Nhân cho rằng, hai mẹ con Quỳnh Anh nên cảm ơn sự thất bại này để định hướng cuộc đời cho cô bé tốt hơn.
Ai dạy trẻ kỹ năng chấp nhận thất bại từ bé?
Một điểm chưa mạnh, chưa phổ biến của cả giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường hiện nay với trẻ em là ít dạy kỹ năng chấp nhận thất bại.
Trong nhiều trường học Việt Nam, "bệnh thành tích" còn trở thành vấn nạn đến mức được chính người từng đứng đầu ngành giáo dục (Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân) "bắt bệnh" và yêu cầu chữa trị tận gốc.
Không phải ông bố bà mẹ nào cũng chờ được cho đến khi trường học Việt Nam thoát khỏi bệnh thành tích, trở về gần với mục tiêu đúng đắn của giáo dục (dạy cả kỹ năng hiểu và đối mặt với thất bại). Muốn cứu con mình, họ phải tự tìm hiểu.
Phản ứng của bà mẹ như trong chương trình truyền hình mang tính chất giải trí này không phải cá biệt.
Tuy nhiên, được khuyếch tán bởi truyền thông và tâm lý đám đông nên trở hành tâm điểm.
Một sự "hội tụ" ngẫu nhiên khiến trường hợp này khá điển hình vì người mẹ vừa là hiện thân của giáo dục gia đình và giáo dục ở trường học; bà cũng chủ động đến với truyền thông (cuộc thi trên Đài Truyền hình quốc gia) để giới thiệu tài năng của con mình.
Theo nhiều nhà tâm lý giáo dục thế giới, ngay từ nhỏ, các bậc cha mẹ đã phải dạy con biết chấp nhận thất bại, nếu để lớn mới dạy là quá muộn, thậm chí, có thể dẫn đến hậu quả xấu là đứa con kém chịu đựng trước thất bại và có thể tự tử.
Nhiều bậc cha mẹ luôn mong muốn con phải đứng đầu lớp, đứng đầu một cuộc thi nào đó. Nếu không làm được điều đó, đứa trẻ sẽ cảm thấy mình là một gánh nặng cho cha mẹ.
Tiến sĩ Barbara Polland (Mỹ) khẳng định: “Việc học cách chấp nhận thất bại sẽ dạy cho trẻ tính tự trọng và biết sống hòa hợp với người khác”. Dấu hiệu không tích cực của trẻ khi thua cuộc nên được dập tắt từ khi có mầm mống, bởi vì nếu nó cứ tiếp tục tồn tại cho đến khi đến trường, trẻ sẽ dễ bị mất bạn bè.
Tiến sĩ Polland cho rằng, một đứa trẻ cần được trải nghiệm cảm giác của cả sự thất bại lẫn chiến thắng.
“Thất bại” không phải là một từ xấu như nhiều người thường nghĩ. Vẻ đẹp của nó là ở chỗ nó chỉ ra điểm yếu của mỗi người, chỉ cần nhận ra thì họ có thể khắc phục được điểm yếu đó.
Thất bại đến với mỗi con người nhiều lần, đặc biệt là với người trẻ tuổi, vì thế, nó là hiện tượng rất bình thường. Với những người có bản lĩnh, đó là “chuyện nhỏ”. Những người thành công đều từng nói về thất bại của chính mình với lòng biết ơn. |
|