Thời gian đăng: 23/3/2020 18:48:41
Đánh giá về thị trường Bất động sản gần đây, Bộ Xây dựng nhận thấy ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp Bất động sản “lộng hành” khiến sai phạm xảy ra hàng loạt; điều này để lại những tác động tiêu cực không hề nhỏ cho người mua nói riêng và toàn thị trường nói chung.
Theo ghi nhận, các hoạt động phân lô bán nền, giao dịch mua bán nhà đất,...chưa đáp ứng và tuân thủ theo yêu cầu pháp luật đưa ra;doanh nghiệp triển khai việc chuyển nhượng đất đai, thực hiện quy hoạch và dự án kinh doanh BĐS trái quy định; Phân lô, bán nền trên diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở; Mua bán, chuyển nhượng nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý; nếu tiếp tục kéo dài, tình trạng này sẽ ngày một biến tướng trên diện rộng.
Trước tình trạng phân lô bán nền tràn lan, Bộ Xây dựng đã bắt tay vào cuộc nhằm tăng cường quản lý và ngăn chặn kịp thời những giao dịch trái phép, hạn chế sự nhiễu loạn thị trường từ ảnh hưởng của các đợt sốt đất ảo.
Trong văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quản lý thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nêu rõ yêu cầu thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, trường hợp có dấu hiệu lừa đảo thì chuyển cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý theo đúng quy định pháp luật; đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh. Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát để nắm bắt tình hình kịp thời, làm rõ nguyên nhân gây biến động nhằm có biện pháp phù hợp.
Những lỗ hổng trong hành lang pháp lýÔng Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh (HoREA) đã có những cảnh báo về cơn sốt ảo đất nền tại nhiều địa phương trong thời gian qua. Đa phần các sự việc đều rơi vào trường hợp phân lô bán nền trái phép trên đất nông nghiệp, đất trồng cây cao su, đất không được quy hoạch là đất ở.
“Thực trạng này dẫn đến nhiều người bị lừa đảo, bị thiệt hại rất lớn; làm phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị của địa phương, gây trở ngại trong thu hút các nhà đầu tư dự án lớn do giá đất đã bị đẩy lên quá cao” – ông Châu nhận định. Đứng sau những hành vi tiêu cực trên là giới cò đất, đầu nậu và các doanh nghiệp bất động sản làm ăn bất chính. Các đối tượng này đã lợi dụng chế định đặt cọc trong dân sự để vẽ ra những loại hợp đồng góp vốn, giữ chỗ,...nhằm thu khoản tiền lớn từ khách hàng. Sự lỏng lẻo trong khâu quản lý cũng phần nào tạo thuận lợi để các giao dịch trái phép có cơ hội phát triển.
Giải pháp mà phía Chủ tịch HoREA đưa ra là đề nghị bổ sung Luật Dân sự quy định trường hợp “đặt cọc” để bảo đảm giao kết hợp đồng mua bán BĐS (trong đó có đất nền) hình thành trong tương lai phải vừa tuân thủ quy định của Luật Dân sự, phải vừa tuân thủ quy định của Luật Kinh doanh BĐS.
Đồng thời, phía Bộ Xây dựng cũng đang đề xuất phương án tăng thuế tại điểm sốt đất để ngăn chặn thổi giá. Bộ cho biết sẽ tăng cường kiểm soát việc cho phép đầu tư mới các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án cao cấp, khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu tránh để tình trạng dư thừa tồn kho. Đồng thời, qua kiểm tra, Bộ cũng sẽ công bố công khai các dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng, không thực hiện bảo lãnh, chưa nộp tiền sử dụng đất, chậm tiến độ, chủ đầu tư chậm làm sổ đỏ…
Trước những cơn sốt đất, giao dịch chui, phân lô bán nền trái phép tại Đà Lạt, Long An, Đồng Nai, Bình Dương,...vừa qua, các nhà quản lý đang hết sức tăng cường công tác rà soát, giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo an ninh, tính minh bạch cho thị trường. Các cơ quan này cũng khuyến cáo người dân nên cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đặt bút ký tên, xuống tiền.
Xem thêm: https://thongtinkhoahoc69.blogspot.com/2019/08/tang-cuong-siet-chat-quan-ly-dat-dai.html
|
|