Thời gian đăng: 4/3/2019 16:23:52
Không chỉ tăng thêm 4 giải Masters 500, tăng tiền thưởng thắng giải cho các VĐV hàng đầu, quần vợt Việt Nam còn nhận được sự đầu tư mạnh mẽ, căn cơ của nhiều doanh nghiệp, địa phương
Năm 2019 sẽ là thời điểm đột phá của quần vợt Việt Nam. Đó là nhận định của ông Đoàn Thanh Tùng, tân Tổng Thư ký Liên đoàn Quần vợt Việt Nam (VTF), trong cuộc trao đổi với Báo Người Lao Động trước Giải VTF Master 500 lần 1 - Hải Đăng Cup diễn ra tại Tây Ninh từ ngày 4 đến 10-3.
Xem thêm: Soi kèo bóng đá tối nay
* Phóng viên: Ông cho biết cụ thể hơn về "Đề án Đổi mới hệ thống tổ chức thi đấu giải của VTF 2019"?
- Ông ĐOÀN THANH TÙNG: Hệ thống Giải VTF Pro Tour & Master là hệ thống giải chuyên nghiệp quốc gia do VTF chịu trách nhiệm tổ chức dành cho các VĐV thi đấu 4 nội dung: đơn nam, đơn nữ, đôi nam và đôi nữ. Giải VTF Pro Tour 200 tương ứng với tổng số tiền thưởng 200 triệu đồng và 200 điểm thưởng. Mỗi VĐV gốc Việt chưa có quốc tịch Việt Nam chỉ được tham gia 1 nội dung/giải. Giải VTF Masters 500 tương ứng với tổng số tiền thưởng 500 triệu đồng và 500 điểm thưởng, là giải dành cho tất cả VĐV trong nước và Việt kiều thi đấu các nội dung của giải. Riêng giải VTF Master 500 lần thứ 4, thực chất là Giải Các cây vợt xuất sắc toàn quốc lấy 8 VĐV nam có thứ hạng cao nhất chia thành 2 bảng thi đấu vòng tròn. Sự khác biệt giữa Master 500 lần thứ 4 so với 3 giải Master trước đó là số điểm thưởng lên đến 700. Như vậy so với năm rồi chỉ có 4 giải VTF Pro Tour 200 thì năm nay có thêm 4 giải VTF Master 500. Ngoài ra, VTF vẫn duy trì hệ thống các giải trẻ, thanh thiếu niên (VTF Junior Tour) cho các lứa tuổi 10, 12, 14, 16, 18 và 2 giải bắt buộc trong năm là vô địch đồng đội quốc gia và vô địch quốc gia.
* Vậy thuận lợi và khó khăn gì khi tăng thêm số lượng giải trong hệ thống thi đấu chuyên nghiệp của quần vợt Việt Nam?
- Khó khăn đầu tiên là VTF phải tìm các nhà tài trợ để tổ chức thêm 4 giải Master 500. Dù vậy, chúng tôi phải làm vì đây là định hướng và là chiến lược của VTF khóa VI nhằm giúp cho các VĐV đỉnh cao của Việt Nam có điều kiện thi đấu, cọ xát học hỏi lẫn nhau đồng thời cũng tăng thêm thu nhập khi vô địch đơn nam là 70 triệu đồng, đơn nữ là 60 triệu đồng và vô địch đôi nam, đôi nữ là 35 và 30 triệu đồng.
Thuận lợi là quần vợt Việt Nam đang phát triển. Nếu như trước đây chỉ có Tổng Công ty Becamex ở Bình Dương đầu tư mạnh cho quần vợt thì nay đã có thêm các doanh nghiệp như Hưng Thịnh, Sun Group, Hải Đăng đầu tư mạnh mẽ cho TP HCM, Đà Nẵng và Tây Ninh. Từ những sự đầu tư này đã tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị, địa phương, qua đó phong trào phát triển không chỉ về chiều rộng, về số lượng mà còn về chất lượng. Cụ thể là trong thời gian qua đã có thêm những trung tâm đào tạo trẻ được đầu tư bài bản ở Đà Nẵng và Tây Ninh. Hai 2 địa phương này cùng với TP HCM và Bình Dương tích cực đăng cai tổ chức các giải đấu quốc tế tại Việt Nam từ giải trẻ trong hệ thống ITF cho đến Men’s Future, Challenger của ATP.
Sức sống mới của quần vợt Việt Nam đã thu hút những tay vợt Việt kiều từ Pháp, Canada, Hungary về Việt Nam thi đấu và mong muốn được khoác áo đội tuyển Việt Nam thi đấu ở SEA Games, Á vận hội như tay vợt nữ Aliz Lim, 29 tuổi, bố là người Việt, mẹ là người Pháp, từng xếp hạng 135 thế giới; tay vợt nữ Fodor Csilla, 17 tuổi, mẹ là người Việt, bố là người Hungary và đã nhập quốc tịch Việt Nam hồi tháng 10-2017 nay đang thi đấu cho Đà Nẵng hoặc Savanna Lý Nguyễn, tay vợt nữ 18 tuổi, người Canada, cũng đã nhập quốc tịch Việt Nam và thi đấu cho Quân đội.
|
|