Thời gian đăng: 24/1/2019 09:38:40
Tại Mỹ có khoảng 80% các tổn thương dây chằng là do chấn thương thể thao. Tại Việt Nam do tình hình giao thông phức tạp, đa số bệnh nhân (BN) bị tổn thương do tai nạn.
Khi bị đứt dây chằng, 70% BN có triệu chứng sưng khớp gối, số còn lại thường đau khớp gối, cảm giác yếu, dễ “sụm”, nghe tiếng “lụp cụp” khi đi lại hoặc lỏng gối. Lỏng gối là triệu chứng quan trọng và thường gặp ở bệnh nhân bị đứt hoàn toàn dây chằng chéo. Tùy theo mức độ tổn thương và tổn thương một hay nhiều dây chằng mà độ lỏng gối sẽ khác nhau.
Biểu hiện của lỏng gối
Lỏng gối là khi các xương không được kết nối với nhau chắc chắn. Tùy theo cuộc sống và sinh hoạt của từng cá nhân, người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu khác nhau.
• Có cảm giác chân yếu khi đi lại.
• Khó khăn khi phải đứng trụ bằng chân đau.
• Lực đá bị suy giảm rõ rệt, nhất là với các vận động viên bóng đá: sút không còn mạnh như xưa, đường bóng đi không còn chính xác, bị chệch hướng.
• Khi chạy nhanh có cảm giác ríu chân nên dễ vấp ngã.
• Khi đi nhanh trên đường không bằng phẳng dễ có cảm giác trẹo gối, mất cảm giác bám đường, giảm khả năng giữ vững chân để tránh ngã khi vấp phải những vật cản nhỏ trên đường như viên đá, hố nhỏ... Vì thế người bị lỏng gối dễ bị ngã trẹo gối khi đi nhanh.
• Cảm giác bất thường khi lên xuống dốc hay cầu thang. Sự nhanh nhẹn bình thường không còn, thay vào đó là việc khó điều khiển chân mình như ý muốn. Biểu hiện rõ ràng nhất là khi người bệnh không thể bước hoặc xuống mỗi hai bậc thang như trước đây.
• Sau chấn thương một thời gian, người bệnh phát hiện đùi bị teo cơ. Dấu hiệu này thường gặp ở những người ít hoạt động thể lực như phái nữ, nhân viên văn phòng, học sinh...
Dây chằng chéo trước là gì?
Khớp gối được tạo bởi ba xương: xương đùi, xương chày và xương bánh chè. Khớp gối chắc chắn và hoạt động nhịp nhàng là nhờ cấu trúc xương ôm khít vào nhau, được bao bọc bởi bao khớp, cơ bắp ở phía trước, phía sau và dây chằng hai bên. Đặc biệt, ở giữa khớp có hai dây chằng nối hai đầu xương khiến chúng giữ chặt với nhau ở ngay trung tâm khớp. Hai dây chằng này gọi là dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau.
Trong đó, dây chằng chéo trước có vai trò quan trọng nhất giúp cho khớp gối chắc chắn.Tuy nhiên, dây chằng chéo trước khớp gối dễ bị tổn thương nhất và phẫu thuật phục hồi dây chằng này cũng là phẫu thuật phổ biến nhất trong các phẫu thuật vùng khớp gối.
Khi nào cần phẫu thuật tái tạo dây chằng khớp gối?
Khi dây DCCT bị tổn thương, khớp gối sẽ lỏng. Tuy nhiên, nhờ có sức cơ đùi bù đắp trong thời gian đầu sau chấn thương nên người bệnh chưa cảm nhận được. Cho đến khi cơ đùi bị teo nghĩa là cơ đùi suy yếu dần, không còn đủ sức gồng gánh cho dây chằng chéo trước, các dấu hiệu của lỏng gối mới xuất hiện. Trước đây, người ta thường chờ đến khi người bệnh có dấu hiệu lỏng gối mới mổ tái tạo dây chằng. Kết quả là thời gian phục hồi vận động khớp gối kéo dài khoảng trên 6 tháng. Hiện nay là mổ sớm, trước khi cơ đùi bị teo. Điều này sẽ giúp phục hồi chức năng khớp gối sau phẫu thuật tốt hơn.
Các bước tạo hình dây chằng chéo trước khớp gối
Cách đây vài chục năm, khi chưa hiểu nhiều về chức năng của các dây chằng trong khớp gối, nhiều bác sĩ chỉnh hình đã chủ trương không mổ cho bệnh nhân đứt dây chằng chéo trước. Tuy nhiên, chấn thương làm đứt dây này chắc chắn sẽ dẫn đến lỏng gối. Với các vận động viên chuyên nghiệp, sự lỏng gối làm mất phong độ thi đấu của họ. Họ khó thực hiện các động tác chạy, nhảy, đứng trụ, sút bóng, giữ thăng bằng khi xoay người, ngừng đột ngột hay chạm đất. Phẫu thuật sẽ giúp phục hồi lại chức năng khớp gối bị lỏng và giúp nhiều vận động viên trở lại đỉnh cao.
Tổn thương thứ phát khi đứt dây chằng
Ở một số bệnh nhân mà nhu cầu vận động không cao (phụ nữ, người ít chơi thể thao...) khả năng đi lại của bệnh nhân gần như bình thường do đó một số bệnh nhân chỉ cảm thấy là khớp gối của mình có vấn đề gì đó “không bình thường” nhưng chưa thật sự cảm thấy phiền toái. Tuy nhiên, những hậu quả lâu dài do đứt dây chằng chéo trước gây nên thì thật sự cần được quan tâm một cách thích đáng.
Khi DCCT bị đứt, quan hệ động học giữa xương đùi và xương chày thay đổi, sự phân phối và truyền lực từ đùi xuống cẳng chân không bình thường, từ đó dẫn đến hai tổn thương thứ phát là rách sụn chêm và thoái hóa khớp.
>>> Các bạn có thể tham khảo thêm tái tạo dây chằng chéo trước
Tổn thương sụn chêm thứ phát: sụn chêm (sụn giữa 2 đầu xương) bên trong lúc đầu có thể còn nguyên vẹn và gắn chặt vào mâm chày. Do tổn thương dây chằng chéo trước, mâm chày bị lệch ra trước và sụn chêm bị kẹt dưới lồi cầu trong xương đùi. Khi gối gấp, sụn bị nghiền và do đó sẽ bị rách ở sừng sau. Sự lặp đi lặp lại của hiện tượng này có thể làm cho đường rách lan rộng thêm từ sau ra trước và vào giữa. Hiện tượng này cũng có thể gặp ở sụn chêm ngoài nhưng ít hơn vì sụn chêm ngoài di động hơn so với sụn chêm trong.
Tổn thương thoái hóa khớp: do sự thay đổi về động học của khớp gối nên dẫn đến những tổn thương thoái hóa do tổn thương xương sụn ở khoang trong, khoang ngoài hoặc khớp bánh chè lồi cầu đùi.
Xử trí khi chấn thương khớp gối
Khi chấn thương gối mà không bị gãy xương, người bệnh và các bác sĩ thăm khám ban đầu rất dễ bỏ qua và để sót các tổn thương dây chằng của khớp gối. Việc thăm khám để phát hiện các triệu chứng của đứt dây chằng chéo trước khớp gối ở giai đoạn này tương đối khó khăn vì phần mềm xung quanh cũng bị chấn thương.
Ở giai đoạn này, sau khi đã loại trừ các tổn thương xương khác, có thể bất động cho bệnh nhân bằng nẹp đồng thời sử dụng các thuốc như giảm đau, chống viêm, giảm phù nề. Việc thăm khám lại sau 2 tuần là cần thiết để có thể phát hiện các triệu chứng và chỉ định chụp cộng hưởng từ khớp gối để đánh giá các tổn thương dây chằng trong khớp.
Khi đã có chẩn đoán xác định đứt dây chằng chéo trước khớp gối, chỉ định phẫu thuật để phục hồi lại chức năng khớp gối cho bệnh nhân sớm và ngăn ngừa các tổn thương thứ phát như rách sụn chêm, thoái hóa khớp. Với sự phát triển của phẫu thuật nội soi, điều trị đứt dây chằng chéo trước đã đạt được những tiến bộ vượt bậc, trả lại chức năng khớp gối của bệnh nhân gần như bình thường.
Hiện nay, tạo hình dây chằng chéo trước khớp gối được thực hiện hoàn toàn qua nội soi và thu được những kết quả tốt đẹp. Đối với tạo hình dây chằng chéo trước khớp gối, vật liệu để tạo hình hiện nay được sử dụng nhiều nhất là gân chân ngỗng (gân Hamstring) do dễ lấy, ít biến chứng và có độ chắc chắn cao.
Để tạo hình lại dây chằng chéo trước bị đứt có rất nhiều kỹ thuật để thực hiện, nhưng thường tiến hành lấy gân để làm dây chằng mới, khoan đường hầm xương cho dây chằng, cuối cùng là cố định dây chằng mới tạo hình xong.
Các bước tạo hình dây chằng chéo trước khớp gối
Tập luyện sau mổ tái tạo dây chằng
Sau phẫu thuật, người bệnh đi với 2 nạng chạm đất, có cảm giác đau trong 7-10 ngày. Sau đó, có thể tập bỏ nạng từ từ. Thường là sau 2-3 tuần, người bệnh có thể đi lại không cần nạng. Các bài tập vật lý trị liệu được bắt đầu ngay ngày thứ hai sau mổ, giúp ngăn ngừa các biến chứng như teo cơ đùi, cứng khớp; giúp sự tuần hoàn lưu thông tốt nên sẹo mổ mau lành hơn. Bệnh nhân sẽ tập luyện cho đến khi có cảm giác bình thường với các động tác đi lại bình thường. Thời gian trung bình của giai đoạn này là 3 tháng.
Ngày đầu tiên sau mổ tái tạo dây chằng chéo trước
Kế đến là tập luyện nhẹ lại các bài tập thể lực. Cường độ và thời gian vận động sẽ tăng dần cho đến khi phục hồi hoàn toàn các động tác chạy nhảy. Giai đoạn này trung bình cũng mất khoảng 3 tháng. Bước thứ 3 là tăng cường các bài tập thể lực nặng hơn để phục hồi hoàn toàn phong độ cũ. Lúc này thời gian nhanh hay chậm thường phụ thuộc vào ý chí của người bệnh (thường là 3-6 tháng)
|
|