Hàng khuyến mãi Hang khuyen mai hang thanh ly hàng thanh lý

Từ khóa hot: Thời trang Đồng hồ Thẩm mỹ Xây dựng Chăm sóc sức khỏe   |  
Tìm nâng cao
In Chủ đề trước Tiếp theo

Câu chuyện Ấn Độ: Cực giàu, cực nghèo, cực giỏi, cực độc [Copy địa chỉ]

Thời gian đăng: 24/5/2021 13:48:48
Chưa biết khi nào thảm hoạ Covid-19 mới chấm dứt ở Ấn Độ? Chừng nào, vẫn còn một quốc gia thất thủ vì đại dịch thì cả thế giới vẫn chưa thể lạc quan. Nếu có các biến chủng mới, vắc-xin hiện nay cũng không giải quyết được.


LTS: Di Li - nữ nhà văn nổi tiếng với dòng tiểu thuyết trinh thám, kinh dị đã 4 lần đến Ấn Độ với một niềm đam mê đặc biệt. Cô yêu thích con người, cảnh vật, lịch sử và văn hóa nơi đây, đến nỗi có thể ‘sểnh ra là lại mua vé đi Ấn Độ”, ”có thể bay đến vài chục lần trong đời”, nhưng cũng vô cùng đau xót khi đất nước này đang phải trả giá cho sự cực đoan của mình.

Hệ thống đẳng cấp, sự phân chia giàu nghèo, hủ tục hồi môn, tục lệ hoả thiêu ở Ấn Độ, đời sống mất vệ sinh kinh hoàng trên sông Hằng đã được nữ nhà văn chia sẻ trong cuốn du ký “Cô đơn trên Everest”.

Nhân cơn địa chấn Covid-19 đang hoành hành dữ dội ở Ấn Độ, nhà văn Di Li đã chia sẻ những trải nghiệm của mình về đất nước này trên trang facebook cá nhân.

VietNamNet trân trọng giới thiệu tới bạn đọc:

Nhà văn Di Li đến thăm bảo tàng Victoria ở Kolkata, Ấn Độ (ảnh: Di Li)

Chê Ấn Độ nghèo và bẩn: góc nhìn một nửa

Số ca tử vong do Covid ở Ấn Độ đã lên tới 4.529 ca/ngày (con số chưa đầy đủ), cao nhất thế giới kể từ đầu mùa dịch đến giờ.

Dân Ấn có tục lệ hỏa thiêu, nên người chết nhiều quá thì họ sẽ bẻ luôn cành cây trong công viên rồi đốt xác đùng đùng ngay trên hè phố, nhà nghèo chả có tiền mua củi mà cũng không thể bẻ trộm cành cây công viên thì lén lút vác xác thân nhân đến cửa nhà tang lễ quẳng đấy rồi bỏ xác chạy lấy người, hoặc giản tiện hơn nữa là để nguyên xác tống xuống sông Hằng cho nổi lềnh bềnh. Virus trong xác cứ thế hòa lẫn vào nước sông rồi theo hạ nguồn trôi đi đâu thì trôi, dính tiếp vào ai thì dính, trong khi nước sông Hằng vốn vẫn chu du khắp châu Á.

Tôi đã đến Ấn Độ 4 lần (18/3 năm ngoái bị hủy chuyến vì Ấn Độ phong tỏa do Covid-19, chứ không là đã thành 5 lần). Trót đổi tiền rồi nên trong ngăn kéo vẫn cất một đống tiền Rupi.

Vì Ấn Độ là niềm đam mê, là điểm đến mà tôi có thể bay tới vài chục lần trong đời. Tóm lại, hễ cứ sểnh ra là tôi lại mua vé đi Ấn Độ. Nhiều người cứ chê Ấn Độ bẩn và nghèo, người Ấn Độ thì xấu xí, trai Ấn Độ thì hung tợn, Ấn Độ lạc hậu, Ấn Độ không văn minh… thì kỳ thực là mới chỉ nhìn thấy một nửa.

Ở New Delhi, có rất nhiều chỗ xanh, sạch, đẹp hơn châu Âu, với những công trình vĩ đại lâu đời từ nhiều thế kỷ. Ấn Độ là thung lũng silicon thứ hai của thế giới và chuẩn bị vượt mặt Mỹ về công suất phần mềm tin học. Nơi sản xuất nhiều phim điện ảnh nhất là Bollywood chứ không phải Hollywood.

Những quốc gia sở hữu nhiều hoa hậu Hoàn vũ nhất thế giới, ngoài mấy nước Nam Mỹ thì còn có Ấn Độ. Ấn Độ nhiều người đẹp, vì họ lai đa chủng.

Người thanh niên chít khăn trông như ngôi sao bóng đá là một tài xế xe tuk tuk ở làng tại Jaipur- ảnh chụp năm 2013 (ảnh: Di Li)

Ví như 2 anh thanh niên tôi gặp và chụp ảnh bừa ở Jaipur. Người thanh niên chít khăn trông như ngôi sao bóng đá là một tài xế xe tuk tuk ở làng (tôi chụp chân dung thôi vì nếu lướt xuống dưới thì… anh ấy mặc quần thủng).

Anh chàng Ấn Độ đeo kính đen mà tôi (Di Li) chụp chung là một gã bán hàng rong, khiến cả đoàn  ngẩn ngơ vì như diễn viên Hollywood" -(ảnh: Di Li)

Anh đeo kính đen tôi chụp chung là một gã bán hàng rong, khiến cả đoàn chúng tôi ngẩn ngơ vì như diễn viên Hollywood. Anh ra mời mua hàng, tôi đứng chết lặng vì anh lần lượt hỏi bằng cả tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý để xem tôi biết nói tiếng gì thì sẽ giao tiếp bằng tiếng ấy.

Đàn ông Ấn Độ kỳ thực hiền lành nhất trong các quốc gia tôi từng đến, thậm chí, những người bán hàng còn thường khúm núm, tội nghiệp. Có mắng cũng không dám phản ứng. Ở Việt Nam mà mắng, khéo còn bị đánh lại.

Tôi đã từng đi dọc ngang miền Bắc Ấn và vài lần đến New Dehli, toàn tự đi phượt nhưng vẫn an toàn, cũng chả bị ai nhòm ngó như thiên hạ đồn thổi.

Ấn Độ là một trong những nền triết học sớm nhất của thế giới, là cái nôi của văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật, mà một trong những triết gia vĩ đại nhất là Đức Phật. Những người giàu nhất thế giới và những kẻ chịu chơi nhất thế giới cũng tập trung ở Ấn Độ.

Năm 2018, ái nữ của ông trùm Mukesh Ambani làm đám cưới (Ambani là người giàu nhất châu Á và thứ tư thế giới với gia sản 40 tỷ USD, thậm chí có năm từng vượt mặt Bill Gates) thì riêng tiền làm thiệp cưới khảm nạm, tính theo tiền Việt đã tốn hàng trăm tỷ đồng.

Cái giá của sự cực đoan

Nhưng khổ nỗi, Ấn Độ là một quốc gia cực đoan, ở nơi này cứ như chỉ tồn tại mỗi hai khái niệm. Hoặc là cực đẹp hoặc là cực xấu. Hoặc cực hiền lành, nhút nhát, hoặc cực hung dữ và biến thái. Hoặc cực sạch hoặc cực bẩn. Hoặc cực trí tuệ hoặc không biết chữ. Hoặc cực giàu hoặc nghèo đến nỗi không đủ tiền mua củi thiêu xác. Hoặc cực văn minh hoặc cực lạc hậu (đến nỗi giờ nhiều làng vẫn duy trì hủ tục vợ góa tự thiêu theo chồng). Hoặc cực thiền, thân tâm an lạc (nơi khai sinh ra Yoga), hoặc cực dâm đãng (cũng là nơi sinh ra Kama Sutra).

Phong cảnh có chỗ thì cực rét (dãy Himalaya), chỗ thì cực nóng (sa mạc Đại Ấn Độ). Món ăn cũng hoặc cực kinh (vừa đưa lên miệng phải nhè ra ngay) hoặc cực ngon.

Ấn Độ có những khách sạn xa xỉ nhất thế giới để khách nghỉ ở đó đê mê như miền cực lạc và cũng có những khu ổ chuột được coi như địa ngục trần gian.

Tất cả sự phân cực này là do hệ thống 5 đẳng cấp vẫn tồn tại ở Ấn Độ từ trước Công nguyên cho đến bây giờ. Khiến người nào đã bẩn, đã xấu, đã nghèo, đã mù chữ, đã mông muội thì truyền kiếp hàng trăm đời con cháu cơ bản vẫn thế. Chứ rất hiếm trường hợp như những nước khác là từ cậu bé đánh giày trở thành tỷ phú, từ con trai một bà mẹ không biết chữ có thể trở thành nhà khoa học, từ cô bé rửa bát thuê biến thành nữ hoàng sắc đẹp, từ cậu con nuôi vô thừa nhận thành phó thủ tướng.

Ở Ấn Độ, con sãi chùa lại quét lá đa, hãn hữu mới có trường hợp vượt rào nhảy từ đẳng cấp này sang đẳng cấp khác. Đa phần cứ định ngoi lên là bị dìm cho không mở mày mở mặt ra được.

Vì thế slogan du lịch do chính Ấn Độ đưa ra cũng đúng như họ tự nhận “Incredible India” (Ấn Độ lạ thường).

Covid-19 khi đến Ấn Độ nó cũng kỳ quái theo đất nước này, nó biến thể và gia tăng độc lực, và tất nhiên nó trừ người giàu ra. Vì người giàu họ đi phi cơ riêng sang Maldives hoặc Dubai nghỉ dưỡng trong resort 6 sao tránh bệnh, bao giờ hết dịch thì về. Họ tắm nắng, shopping kim cương, uống cocktail dưới ánh sao đêm và post hình lên phây (facebook).

Mà đã là người nghèo thì ở đâu cũng khổ trần ai, dù là Đông hay Tây, dù là Phật giáo hay Thiên chúa giáo, phong kiến hay hiện đại, xã hội phân đẳng cấp hay bình đẳng dân chủ. Khi quốc gia có sự gì xảy ra, chiến tranh, đảo chính, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, thiên tai, biến đổi khí hậu thì người nghèo lĩnh đủ. Họ là những đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất trong xã hội. Mà Ấn Độ thì nhiều người nghèo. GDP có cao đến đâu thì cũng chỉ nằm trong tay tầng lớp thượng lưu tỷ phú.

Mùng 7 Tết năm ngoái, tôi còn ở Ấn Độ. Lúc ấy, thấy báo đưa tin ở nhà đổ xô đi mua khẩu trang mà cháy hàng, nên hôm cuối cùng cả đoàn đi chợ không mua quà cáp gì mà chỉ tìm mua một đống khẩu trang nhét vali mang về. Dân Ấn thấy thế lạ lắm, nhún vai ngạc nhiên vì lúc đó Ấn chưa có ca nào.

Nhưng khi ấy tôi bảo: Covid-19 mà lan sang Ấn Độ thì khéo cả nước nhiễm, số ca dẫn đầu thế giới. Nhà thơ Nguyệt Vũ đi cùng sau này cứ bảo lời tôi có tính… tiên tri. Khổ, tiên tri gì đâu, Ấn Độ ngày thường lúc nào cũng nhung nhúc người thế, trông chả khác gì phim Zombie, không nhiễm mới là lạ. Thế giới cứ mắng Ấn Độ sao không phong tỏa. Nhưng họ không làm thế được.

Hàng nghìn người dân Ấn Độ vẫn tắm sông Hằng ở Haridwar lễ hội Kumbh Mela bất chấp dịch Covid-19

Thứ nhất là Ấn Độ nhiều lễ hội tôn giáo hàng đầu thế giới. Người chết ngay bên cạnh làm sao họ lại không biết, nhưng vẫn vài chục ngàn người Ấn tắm chung trong lễ hội tôn giáo Kumbh Mela. Chả mấy ai thèm đeo khẩu trang.

Họ dấp nước sông Hằng lên người, rồi úp mặt vào phân bò sền sệt bảo thần linh sẽ phù hộ. Họ thà chết Covid-19 cũng được chứ nhất định không chịu bỏ việc hành hương.

Thủ tướng cũng không thể cấm lễ hội được vì quyền lực của các giáo sĩ Bà la môn ở đây là tối thượng (Là đẳng cấp thứ nhất trong 5 đẳng cấp). Gọi là phép vua thua lệ làng. Lễ hội của ta cũng tập trung đông người như ở Ấn Độ nhưng Đảng và Chính phủ yêu cầu người dân ở nhà ngay là người dân nghe, cả nước răm rắp nghe theo.

Các nước vốn vẫn tự hào về nền dân chủ lâu đời không làm thế được. Vì trên bảo dưới không nghe, khéo dân còn mắng cho thêm chứ đừng nói là đòi người dân khai báo, truy vết Covid-19. Trong tình hình dịch bệnh thì đây gọi là mặt trái của dân chủ.

Ông Ram Vriksha Gaur, một trong những đạo diễn của bộ phim truyền hình nổi tiếng “Cô dâu 8 tuổi” phá sản vì dịch bệnh, phải đi bán rau quả

Thứ hai là tỷ lệ người nghèo của Ấn Độ rất nhiều. Nếu phong tỏa thì rất có thể số người chết đói còn hơn chết vì Covid-19. Ví dụ như Ram Vriksha Gaur, một trong những đạo diễn của “Cô dâu 8 tuổi”. Dịch bệnh khiến anh phá sản, phải chở xe đi bán rau quả.

Việc biến thể Covid Ấn Độ sẽ lan ra toàn thế giới, đặc biệt là châu Phi cũng không có gì ngạc nhiên.

Lúc ấy người trung lưu phá sản xuống thành cùng đinh là chuyện bình thường. Nên mấy ông nghỉ lễ đi chơi xa, không thèm đeo khẩu trang suốt chuyến, về nhà lại trốn khai báo xong vác thân đi lung tung tiếp xúc hết người nọ người kia thì chỉ hại nhất người nghèo. Bởi nhỡ dịch bùng ra thì người nghèo cũng không có nổi thúng rau quả mà bán.

Theo các báo cáo được truyền thông, nếu tiêm vắc- xin cật lực, Ấn Độ cũng phải mất… 10 năm mới tiêm đủ cho hơn 1 tỷ dân của họ.

Câu chuyện Ấn Độ khiến tôi thấy chưa có gì quá lạc quan về tình hình Covid-19 hiện nay. Bởi logic thứ nhất là chỉ khi nào vắc-xin được tiêm đủ trên toàn thế giới thì việc đi lại giữa các nước mới tự do hoàn toàn. Chừng nào vẫn còn quốc gia bị Covid-19,  nó sẽ lây qua lây lại, thậm chí thêm các biến chủng mới mà vắc-xin chả giải quyết vấn đề gì.

Logic thứ 2 là biên giới đường bộ giữa các nước (trừ các quốc đảo) thường hở hông hốc mấy trăm cây số, toàn đồng không mông quạnh nên lây nhau là chuyện bình thường.

Giờ Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Malaysia coi như thất thủ. Sắp tới có thể sẽ đến lượt Nepal thất thủ, quốc gia có mật độ dân số đông, y tế tệ hại, vệ sinh kém và không may lại chung đường biên rất dài với Ấn Độ. Nếu xảy ra chuyện gì thì kết quả có thể còn tồi tệ hơn cả Ấn Độ, vì họ nghèo hơn Ấn Độ rất nhiều, giao thông thì không khác gì phim Indiana Jones, muốn viện trợ, tiếp tế cũng khó.

Điều này thực sự rất đau lòng vì đây là 2 quốc gia mà tôi yêu mến nhất.


Nhà văn Di Li (Theo Vietnamnet)


Đánh giá

Lưu trữ | Phiên bản Mobile | Quy chế | Chính sách | Chợ24h

GMT+7, 21/11/2024 20:03 , Processed in 0.159616 second(s), 138 queries .

© Copyright 2011-2024 ISOFT®, All rights reserved
Công ty CP Phần mềm Trí tuệ
Số ĐKKD: 0101763368 do Sở KH & ĐT Tp. Hà Nội cấp lần đầu ngày 13/7/2005, sửa đổi lần thứ 4 ngày 03/11/2011
Văn phòng: Tầng 9, Tòa Linh Anh, Số 47-49 Khuất Duy Tiến, P. Thanh Xuân Bắc, Q. Thanh Xuân, Hà Nội
Tel: (84) 2437 875018 | (84) 2437 875017 | E-Mail: cho24h@isoftco.com

Lên trên