Thời gian đăng: 6/2/2017 09:28:21
Mỗi năm, cứ vào dịp xuân về tết đến, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức để chào đón năm mới. Trong các loại hình nghệ thuật truyền thống, thì múa lân sư rồng là một loại hình nghệ thuật đặc trưng được nhiều người ưa thích.
Vào những ngày giáp Tết, khi nghe tiếng trống thùng thình, thùng thình thì chắc chắn hầu hết trong chúng ta đều nghĩ ngay đến hình ảnh múa lượn của những chú lân, sư, rồng rực rỡ và uy dũng cùng điệu cười ngặt nghẽo rất đỗi hồn nhiên của ông Địa đã làm rạo rực lòng người. Múa Lân sư rồng là một môn nghệ thuật dân gian có nguồn gốc từ Trung Hoa. Theo dấu chân của những người Hoa lập nghiệp trên vùng đất mới trong đó có Việt Nam. Nghệ thuật biểu diễn múa lân sư rồng thường xuất hiện trong những dịp lễ hội, hay lễ khởi công, khai trương, đặc biệt là Tết Nguyên tiêu, tết Trung Thu và Tết Nguyên đán hàng năm. Vì theo quan niệm chung của người Á Đông, lân sư rồng tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng. Lân sư rồng là khơi mở cho những điềm lành trong năm mới. Tuỳ theo không gian rộng, hẹp, tính chất của từng lễ hội mà nghệ thuật múa lân sư rồng có những hình thức biểu diễn khác nhau thể hiện cái thần riêng, tạo không khí sôi động lôi cuốn người xem.
Xã Hải Ninh huyện Bắc Bình là nơi có nhiều anh em dân tộc sinh sống trong đó nhiều nhất là người Nùng, Hoa, chính vì thế nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều bộ môn nghệ thuật độc đáo, trong đó nổi bật nhất là nghệ thuật múa lân sư rồng. Đội lân sư rồng Quân Nghĩa Đường của xã Hải Ninh được thành lập vào năm 1983 do ông TSằn A Si – một võ sư người gốc hoa cùng một số người yêu thích bộ môn nghệ thuật này lập nên. Thưở ban đầu khi mới thành lập Đội lân sư rồng Quân Nghĩa Đường chỉ có gần 20 người với những bài múa lân truyền thống đơn giản, nhưng đến nay số người tham gia đã lên đến hơn 60 người, qua thời gian tìm tòi học hỏi từ các nơi khác mà các bài biểu diễn của đội ngày càng phong phú đa dạng.
Là người đến với nghệ thuật múa lân sư rồng từ năm 18 tuổi, ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó trưởng đoàn lân sư rồng Quân nghĩa Đường xã Hải Ninh cho biết: Môn múa lân, sư, rồng chỉ dành cho những người thật sự đam mê, có tính kiên trì, tinh thần đoàn kết, khả năng sáng tạo và bên cạnh đó là khả năng cảm thụ âm nhạc. Bởi lẽ để có thể biểu diễn thành thạo một bài biểu diễn với nhiều động tác khó, đòi hỏi sức khỏe, kỹ thuật cao người tập luyện phải đổ mồ hôi và công sức rất nhiều. Có khi để biểu diễn một bài múa chỉ từ 10 đến 15 phút nhưng người biểu diễn phải tập luyện cả năm trời. Một bài múa lân, sư, rồng sẽ trở nên khô cứng, vô hồn nếu người biểu diễn không biết thả hồn vào chính những con lân, con sư, con rồng mình khoác trên người, hòa quyện giữa những bước đi vừa uyển chuyển, nhịp nhàng, vừa duyên dáng, oai hùng với nhịp trống.
Múa Lân đòi hỏi khá nhiều kĩ năng trong từng động tác. Mỗi bước đi trong múa Lân giống như bước chân của con hổ hay con mèo vậy. Nếu là múa trên mặt đất thì sẽ đi như hổ, nếu múa trên cọc thì sẽ nhẹ nhàng như mèo. Vậy nên những người múa Lân thường là những người có võ học, như vậy thì việc luyện tập sẽ dễ dàng và đỡ vất vả hơn rất nhiều bởi đã có sẵn căn cơ, khi múa chỉ cần tạo thế đi sao cho có hồn và lột tả hết được sự uyển chuyển, mạnh mẽ của lân sư.
Để múa lân, sư cần có hai người, một người đóng làm đầu lân, một người làm thân lân. Người đóng đầu lân phải nhỏ hơn người phía sau một chút nhưng tay phải khỏe để rung lắc và di chuyển đầu lân nhịp nhàng. Người đóng thân lân phải có sức khỏe và nhanh nhẹn để có thể nâng vác người phía trước lên đầu, vai hay đùi của mình. Vậy nên, người múa lân không chỉ đòi hỏi sự dẻo dai và sức khỏe, mà còn phải tập trung cao độ, đưa thần hồn vào từng hành động nhưng vẫn phải giữ được sự phối hợp với bạn diễn. Để điệu múa lân đẹp, hấp dẫn, người múa thể hiện nhiều động tác tổng hợp rất uyển chuyển, linh hoạt, và phải biểu lộ được nhiều cung bậc tình cảm: hỉ, nộ, ái, ố…hòa quyện trong tiếng trống giục giã, sôi động. Nếu múa lân, sư chỉ cần có hai người thì múa rồng thì phải cần từ 9 đến 11 người cùng điều khiển con rồng và luyện tập rất công phu để thể hiện được các động tác đồng bộ khi rồng uốn khúc, rồng phóng tới, rồng đảo lại phô diễn thần oai.
Một con lân biểu diễn gọi là Ðộc Chiếm Ngao Ðầu, thể hiện tài tả xung hữu đột, tiến thoái nhịp nhàng, bộ pháp hùng dũng, nhảy cao, trèo giỏi, tượng trưng cho cái uy, cái dũng của một mãnh tướng, một hảo hán, một vị anh hùng. Hai con lân cùng biểu diễn gọi là Song Hỉ, thể hiện niềm hân hoan khoan khoái, tâm đầu ý hợp như loan với phụng, như đất trời và âm dương tương hợp. Ba con lân hợp múa phải có ba màu vàng, đỏ, đen, gọi là Tam Tinh, thể hiện những điều cầu nguyện của mọi người đạt được điều lành, ba điều tốt là Phúc, Lộc, Thọ. Bốn con lân cùng múa gọi là Tứ Quý hưng long, gồm bốn đầu lân trắng vàng, đỏ, đen hoặc xanh, tượng trưng cho bốn mùa, bốn phương, bốn hiện tượng trong trời đất, diễn tả tự sung mãn, trường thọ, mạnh khỏe và hạnh phúc.
“Liên Mai Hoa Thung” được cho là đỉnh cao của nghệ thuật múa lân, ý nghĩa của động tác này là tượng trưng cho cuộc đời con người vượt qua khó khăn để đạt được điều tốt đẹp. Đây cũng là điệu múa khó nhất vì lân phải nhảy, nhào lộn trên dàn Mai Hoa Thung với 24 cọc sắt cao từ 1,2 m đến 3 m, chiều dài không quá 15 m, và thời gian biểu diễn trong vòng 15 phút. Để làm được những điều này các thành viên của đoàn lân đã phải chuyên tâm khổ luyện võ thuật từ nhỏ.
Trong quá trình biểu diễn múa lân, tiếng trống giữ vai trò chủ đạo, múa lân-sư-rồng mà không có tiếng trống, tiếng thanh la, chập chõa thì toàn cảnh không khác hơn bức tranh tĩnh vật. "Tùng cheng, cắc cắc, tùng cheng...", là âm điệu giao hòa của trống, thanh la và chập chõa. Trống đánh trong múa lân-sư-rồng gọi là Thất Tinh Cổ (trống bảy sao), trống đánh phải có bài bản, phù hợp với các bộ pháp như chào, lạy, nằm, leo lên, tuột xuống, lúc khoan lúc nhặt, lúc dồn dập liên hồi như trống trận, mới diễn tả hết hùng khí của lân, oai phong của sư và oanh liệt như rồng. Ở đâu vang lên tiếng trống Thất Tinh, ở đó có bầu không khí rộn ràng của cuộc múa lân-sư-rồng. Ở đâu có múa lân-sư-rồng ở đó có cả một trời xuân.
Có thể thấy, nghề múa lân hiện nay phát triển hoàn toàn tự nhiên, không gượng ép. Có người đến với nghề để tìm niềm vui khi được phục vụ. Có người theo nghề như một môn thể thao giúp rèn luyện sức khỏe. Dù không cùng trang lứa, không cùng nghề nghiệp, thu nhập không ổn định, nhưng họ có một điểm chung là niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật độc đáo này. Có lẽ, đó cũng là chất keo kết dính để không ít người xem múa lân như một cái nghiệp cha truyền, con nối.
Ngày nay mỗi khi Xuân về thì có rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí được tổ chức nhưng múa lân-sư-rồng vẫn thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân. Bởi nó mang trong mình vẻ đẹp của nét văn hoá truyền thống cũng như phù hợp với thị hiếu của mọi tầng lớp, lứa tuổi. Dù thời gian qua, nhu cầu thưởng thức, hưởng thụ văn hoá của người dân có nhiều thay đổi nhưng múa lân-sư-rồng vẫn giữ nguyên sức hấp dẫn và giá trị của vốn có của nó.
Xuân về, Tết đến nếu chỉ có mai vàng, bánh chưng, mứt kẹo… mà không có tiếng trống múa lân thì sẽ thiếu đi cái không khí vui tươi rộn ràng của ngày Tết. Múa lân-sư-rồng là một phong tục dân gian đặc sắc mang lại không khí tưng bừng, náo nhiệt của nhân dân ta trong ngày lễ lội. Múa lân được xem là loại hình nghệ thuật tuyền thống với nhiều ý nghĩa tượng trưng nhất: chúc phúc, thịnh vượng, thanh bình và may mắn.
Vietlinks là công ty tổ chức sự kiện chuyên tổ chức sự kiện, cho thuê múa lân sư rồng, cho thuê nhóm múa lân tphcm,cho thuê âm thanh, âm thanh ánh sáng sân khấu, cho thuê bàn ghế tphcm, cho thuê ghế sự kiện, cho thuê bàn ghế giá rẻ.
|
|