Thời gian đăng: 15/2/2017 22:32:16
HỎI - ĐÁP VỀ TUYỂN SINH NGÀNH AN TOÀN THÔNG TIN NĂM 2017
1) Công việc chính của Kỹ sư An toàn thông tin?
- Quản trị và bảo vệ sự an toàn cho các hệ thống mạng máy tính, truyền thông, viễn thông, các hệ thống cơ sở dữ liệu và hạ tầng mạng; đảm bảo giám sát an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền không gian số quốc gia;
- Đảm bảo an toàn cho thông tin (dữ liệu) và các ứng dụng phần mềm khi lưu trữ, truyền tải và sử dụng: bảo vệ tính bí mật, đảm bảo tính xác thực (nguyên vẹn và nguồn gốc) và khả năng sẵn sàng cho sử dụng của thông tin;
- Đảm bảo các vấn đề về an ninh thông tin (quan trọng, nhạy cảm) của Chính phủ, các Bộ, Ngành, các doanh nghiệp và các cá nhân; bảo vệ phòng chống trong tác chiến mạng;
- Kiểm định, đánh giá và tư vấn về an toàn của các hệ thống thông tin, điều tra sau sự cố thông tin...
2) Cơ hội nghề nghiệp của Kỹ sư ATTT tại Việt Nam?
- ATTT là một ngành rất “nóng” tại Việt Nam và trên toàn thế giới; Theo điều tra của tổ chức EMSI, Kỹ sư ATTT đang là một trong 12 nghề nghiệp có cống hiến xã hội và thu nhập tốt nhất;
- Phần lớn giao dịch, hoạt động (thương mại, truyền thông) của Việt Nam cũng như thế giới đều diễn ra trên mạng, mọi hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội đều có ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT), do đó yếu tố an toàn, bảo mật thông tin là vô cùng quan trọng;
- Các lĩnh vực ngành nghề thuộc khối An ninh Quốc phòng, Đảng và Chính quyền, các ngành kinh tế trọng điểm mũi nhọn như: giao dịch thương mại điện tử, tài chính ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, các dịch vụ hành chính công, chính phủ điện tử, mạng truyền thông, công nghiệp nội dung số…;
- Việc đào tạo chuyên ngành ATTT ở Việt Nam chưa phát triển tương xứng với đòi hỏi của công nghệ và nhu cầu cấp thiết của xã hội. Do đó, trong vòng 30 năm tới, cơ hội nghề nghiệp cho những người tốt nghiệp chuyên ngành này là rất lớn.
3) Kỹ sư ATTT có thể làm việc ở đâu?
Kỹ sư ATTT làm việc tại các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài. Họ tác nghiệp trên tất cả các lĩnh vực ứng dụng Công nghệ thông tin tại các cơ quan Đảng-Chính phủ, các cơ quan thuộc khối An ninh-Quốc phòng, các cơ quan, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kinh tế trọng điểm: tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, viễn thông, năng lượng điện, dầu khí, thương mại, hàng không, giao dịch điện tử, giao thông vận tải,…
Các vị trí công tác điển hình:
- Giám đốc An toàn thông tin;
- Chuyên gia quản trị và bảo mật máy chủ và mạng;
- Chuyên gia bảo mật cơ sở dữ liệu;
- Chuyên gia phân tích, tư vấn, thiết kế đảm bảo an toàn cho hệ thống thông tin;
- Chuyên gia kiểm tra, đánh giá ATTT cho máy tính và hệ thống mạng;
- Chuyên gia rà soát lỗ hổng bảo mật, điểm yếu và xử lý sự cố an toàn thông tin
- Chuyên gia lập trình và phát triển ứng dụng đảm bảo An toàn thông tin;
- Chuyên gia giám sát an ninh mạng, kiểm định đánh giá an toàn mạng;
- Chuyên gia an ninh thông tin và tác chiến mạng;
- Chuyên gia tư vấn an toàn thông tin;
- Chuyên gia quản trị mạng;
- Chuyên gia lập trình;
- Chuyên gia điều tra tội phạm mạng…
4) Cơ sở đào tạo Kỹ sư An toàn thông tin uy tín tại Việt nam?
- Đến nay Học viện đang đào tạo đến Khóa 13 ngành ATTT, 08 khóa đã tốt nghiệp với trên 90% Kỹ sư ra trường có việc làm ngay và được các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng đánh giá cao như: Tổng cục Tình báo - Bộ Quốc Phòng, Cục an ninh mạng - Bộ Công An, Trung tâm VnCert, Công ty Misoft, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tập đoàn FPT, Công ty BKIS, các cơ quan doanh nghiệp thuộc các khối ngành kinh tế mũi nhọn trọng điểm như: dầu khí, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, giao dịch thương mại điện tử, công nghiệp nội dung số, truyền thông đa phương tiện, hàng không, hàng hải, …
- Năm 2014, Học viện là Trường đầu tiên đào tạo trình độ Thạc sĩ về ATTT;
- Từ năm 2014, Học viện được Chính phủ giao nhiệm vụ là một trong 8 cơ sở đào tạo trọng điểm chuyên gia ATTT trong đề án đào tạo phát triển nhân lực ATTT của Chính phủ.
5) Sự đầu tư và quan tâm của Chính phủ đến lĩnh vực An toàn thông tin?
- Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 16/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường công tác bảo đảm ATTT mạng; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;
- Theo Quyết định số 63/QĐ-TTg, ngày 13/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã và đang khẩn trương xây dựng chiến lược an ninh mạng (trong đó, việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao về ATTT là một trong những giải pháp then chốt-quyết định).
- Quyết định 99/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an ninh, an toàn thông tin đến năm 2020.
6) Mức thu nhập trung bình hiện nay của Kỹ sư An toàn thông tin?
Khởi điểm từ 500 USD/tháng. Thu nhập trung bình khoảng 1000$-1200$/tháng. Nhiều chuyên gia có mức lương vài ngàn USD tại các tập đoàn, ngân hàng, doanh nghiệp... Những chuyên gia ATTT có bề dày kinh nghiệm hiện đang thiếu trầm trọng tại Việt Nam;
7) Tôi muốn được học ngành ATTT thì đăng ký xét tuyển vào đâu?
Cơ sở phía Bắc: 141 Chiến Thắng, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội
Cơ sở phía Nam: 17A Cộng Hòa, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh
Website: http://actvn.edu.vn
Hotline: 090 345 8774
MÃ TRƯỜNG: KMA
MÃ NGÀNH: D480202
NGÀNH ĐÀO TẠO: AN TOÀN THÔNG TIN
TỔ HỢP MÔN XÉT TUYỂN (Điểm trúng tuyển là chung cho cơ sở phía Nam và Bắc)
● Toán, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên
● Toán, Tiếng Anh, Vật lí (Khối A1)
● Toán, Vật lí, Hóa học (Khối A)
TỔNG SỐ CHỈ TIÊU: 600 (Không giới hạn chỉ tiêu từng cơ sở phía Nam, phía Bắc)
PHƯƠNG THỨC TUYỂN SINH: XÉT TUYỂN DỰA TRÊN KẾT QUẢ KÌ THI THPT QUỐC GIA 2017
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN: theo quy định của Bộ GD&ĐT, đăng ký trực tuyến hoặc trực tiếp tại Học viện.
8) Cơ sở vật chất, tiềm lực, giảng viên của Học viện Kỹ thuật mật mã đào tạo ngành này như thế nào?
- Học viện là Trường hàng đầu Việt Nam, hơn 40 năm chuyên đào tạo và nghiên cứu về lĩnh vực bảo mật thông tin. 13 năm đào tạo kỹ An toàn thông tin phục vụ phát triển Kinh tế - xã hội. Bên cạnh tiềm lực sẵn có từ Quốc phòng – an ninh, Học viện thường xuyên được sự quan tâm, đầu tư lớn của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Ban Cơ yếu Chính phủ;
- Hàng trăm giảng viên của Học viện là các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu giảng dạy có trình độ cao về lĩnh vực ATTT. Học viện đã 2 lần được tặng giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ trong lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin. Chương trình đào tạo được thiết kế tiên tiến theo các chuẩn quốc tế. Hệ thống phòng học chất lượng cao, có nhiều phòng Lab hiện đại... với đầy đủ trang thiết bị và đầu tư hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo tốt nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu.
9) Mức học phí học ngành ATTT tại Học viện Kỹ thuật mật mã là bao nhiêu?
Học phí theo quy định của Chính phủ cho các trường công lập: 7,900,000 VNĐ/năm học (226.000 VNĐ/tín chỉ).
|
|