Lăng Minh Mạng là một di tích lịch sử trong quần thể di tích của cố đô Huế được UNESCO chứng nhận là di sản văn hóa thế giới ngày 11-12-1993. Nằm ở vị trí xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế.
Lịch sử hình thành của lăng Minh Mạng
Hai mươi năm ngồi trên ngai vàng, vua Minh Mạng đã đem lại cho giang sơn,, xã tắc Đại Nam sự vững mạnh, cho vương nghiệp họ Nguyễn một tiền đồ mới. Và vị vua đó đã nằm yên nghỉ giữa chốn “thiên đường trần gian” đầy tiếng chim hót, hoa đua... với sự thanh thản và mãn nguyện hoàn toàn. Lăng Minh Mạng được nhiều du khách thích thú nhất vì nó thể hiện rõ ý chí về thế giới một cách độc đáo của người Việt Nam, đó là nét đẹp về giá trị tư tưởng.
Khi làm vua được 7 năm, đến năm Minh Mạng thứ bảy 1826, vua Minh Mạng mới cho người đi tìm vùng đất để xây dựng Sơn lăng cho mình. Quan Địa lý Lê Văn Đức đã chọn được một vị trí đất tốt ở địa phận núi Cẩm Kê, gần ngã ba Bằng Lãng, nơi giao hòa của hai nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch để tạo thành con sông Hương thơ mộng.
Thế nhưng mãi 14 năm sau, đến năm 1840, nhà vua mới ra quyết định cho tiến hành xây dựng lăng tẩm của mình ở nơi này. Phải đích thân nhà vua đến nơi khảo sát, phê chuẩn họa đồ thiết kế. Nhà vua ra lệnh đổi tên núi Cẩm Kê thành Hiếu Sơn và đặt luôn tên lăng là Hiếu Lăng. Tháng 4 năm 1840, công cuộc kiến thiết Hiếu Lăng bắt đầu. Bốn tháng sau, vua Minh Mạng lên kiểm tra tiến độ công trình thấy công việc đào hồ Trừng Minh không vừa ý nên giáng chức các quan trông coi và đình chỉ công việc. Một tháng sau, công việc vừa được tiếp tục thì Minh Mạng lâm bệnh qua đời vào tháng 1 năm 1841. Vua Thiệu Trị lên nối ngôi, chỉ một tháng sau (tháng 2-1841) đã huy động gần 10.000 lính và thợ thi công tiếp công trình theo đúng họa đồ của vua cha để lại. Ngày 20 tháng 8 năm 1841, thi hài vua Minh Mạng được đưa vào chôn ở Bửu Thành, nhưng công việc xây lăng mãi đến đầu năm 1843 mới hoàn tất.
[Xem thêm] Kiến trúc lăng Tự Đức
Ghé thăm lăng Minh Mạng, du khách sẽ ngỡ mình lạc vào không gian của hội họa, thi ca và triết học. Sự uy nghiêm của kiến trúc, nét tĩnh tại của khung cảnh gợi tình của thiên nhiên, hoa cỏ thể hiện tính cách nghiêm khắc, tri thức uyên bác và tâm hồn lãng mạn của nhà vua.
|