Thời gian đăng: 21/5/2019 16:15:27
Nguyên tắc phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn
Trong khi vấn đề kết hôn được mọi người bàn tán sôi nổi thì hầu như ít ai nói về ly hôn, bởi họ cho rằng, đây là điều không may mắn. Tuy nhiên, vì lí do này mà không quan tâm những quy định pháp luật có liên quan là một thiếu sót nghiêm trọng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc thông tin về những nguyên tắc phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.
1/ Cách phân chia tài sản của vợ chồng
Tài sản của vợ chồng sẽ được phân chia theo thỏa thuận của vợ chồng hoặc theo quyết định của Tòa án.
Pháp luật ưu tiên phân chia tài sản theo hướng thỏa thuận. Tuy nhiên, trong trường hợp, hai bên không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng hoặc thỏa thuận bị vô hiệu thì Tòa án sẽ xem xét, giải quyết tài sản theo quy định của pháp luật.
2/ Các nguyên tắc liên quan đến việc phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn
Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét đến nhiều yếu tố:
Thứ nhất, hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng. Hoàn cảnh gia đình là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng. Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống.
Thứ hai, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Bên nào có đóng góp nhiều hơn sẽ nhận được nhiều hơn. Ngoài ra, vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc gia đình được coi như lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của bên đi làm bên ngoài.
Ví dụ: Khi A (chồng) ly hôn với B (vợ), Tòa án xem xét trong quá trình tạo lập tài sản, xây dựng gia đình, nhận thấy A có đóng góp nhiều hơn về tài sản, công sức thì sau khi ly hôn, phần tài sản mà A nhận được có thể sẽ nhiều hơn B.
Thứ ba, việc phân chia tài sản phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Ví dụ: Khi A (chồng) ly hôn với B (vợ), B là người trực tiếp nuôi dưỡng con sau khi ly hôn thì Tòa án xem xét đến yếu tố này để phân chia tài sản.
Thứ tư, bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập. Nguyên tắc này yêu cầu việc phân chia tài sản phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập
Thứ năm, tùy vào đặc điểm nơi ở, công việc, điều kiện của vợ và chồng mà Tòa án sẽ quyết định ai được chia tài sản bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.
Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ:
Công ty Luật Apolo Lawyers
· Địa chỉ: Tầng 10, Tòa nhà PaxSky, 51 Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP. Hồ Chí Minh
· Tel: (028) 66.701.709 / (028) 35.059.349
· Hotline 1: 0903.600.347 / Hotline 2: 0908.043.086
· Email: contact@apolo.com.vn
· Website: www.luatsutructuyen.vn
|
|