Thời gian đăng: 28/10/2020 16:33:30
Một vòng các quốc gia
Các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) tiếp cận LTT bằng việc xác định một tỷ lệ % (chỉ số Kaitz) so với mức lương trung bình. Tỷ lệ này ở Cộng hòa Czech là 36%; các nước Luxemburg, Bỉ, Tây Ban Nha, Rumani, Slovakia, Ba Lan, Hà Lan, Anh... từ 42-51%; nhóm nước khác từ 54-62% là Hungary, Bồ Đào Nha, Slovenia và Pháp(1).
Tại châu Á, một số nước cũng xác định LTT bằng tỷ lệ % so với lương trung bình, như Nhật Bản (34,6%), Hàn Quốc (39,2%).
Nhiều nước khác (hầu hết là các nước đang phát triển) lại tiếp cận tiền LTT thông qua việc xác định một giỏ hàng hóa lương thực, thực phẩm (LTTP) và phi LTTP. Tổ chức Liên minh tiền lương tối thiểu châu Á đưa ra sáng kiến tính LTT cho khu vực này với một phương pháp thống nhất. Theo đó, giỏ hàng hóa LTTP được tính dựa vào định lượng Kcalo và tính theo ngang giá sức mua (PPP), nhu cầu phi LTTP được tính với tỷ lệ 1:1 so với nhu cầu LTTP, người ăn theo tính trên cơ sở một người đi làm nuôi một người ăn theo tính bằng 0,5. Như vậy, một gia đình bình quân có bốn người và được tính bằng ba đơn vị.
=>> Dây thun dệt bản
Phương thức xác định LTT cũng khác nhau giữa các nước, như:
- Dựa trên quyết định đơn phương của chính phủ theo luật LTT Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức từ ngày 1-1-2015...).
- Dựa vào tham vấn, có nghĩa là Chính phủ quyết định có sự tham vấn giới chủ và công đoàn hoặc các ủy ban LTT được thể chế hóa (Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Úc, Việt Nam...).
- Dựa vào thương lượng giữa giới chủ, công đoàn và nhà nước (Bỉ, Hy Lạp, một số nước Đông Âu).
Hiện nay có hai loại LTT đang được áp dụng, đó là LTT chung và LTT vùng. LTT chung cho cả nước được áp dụng tại nhiều quốc gia châu Âu và châu Mỹ Latinh (như Mỹ, Úc, New Zealand, Brazil, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Đức từ ngày 1-1-2015). LTT vùng được áp dụng tại đa số các nước châu Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam...).
Ngoài ra, một số nước áp dụng LTT hoàn toàn theo các thỏa ước lao động tập thể cho ngành hoặc nhóm ngành (Đức trước ngày 1-1-2015, Thụy Điển, Đan Mạch, Ý...).
Về quy định mức LTT, giữa các quốc gia cũng có sự khác biệt. Các nước phát triển thường quy định LTT theo giờ, còn các nước đang phát triển hoặc kém phát triển quy định theo tháng.
Tại các nước ASEAN, mức LTT năm 2015 như sau: Myanmar (50-60 đô la Mỹ/tháng), Lào (77 đô la Mỹ), Campuchia (128 đô la Mỹ) Việt Nam (101-145 đô la Mỹ), Thái Lan (237 đô la Mỹ), Indonesia (92-247 đô la Mỹ), Malaysia (225-253 đô la Mỹ), Philippines (180-321 đô la Mỹ). Một số nước châu Á khác, Bangladesh (68 đô la Mỹ/tháng), Trung Quốc (134-293 đô la Mỹ), Ấn Độ (78-136 đô la Mỹ), Pakistan (99-119 đô la Mỹ)(2)...
Vấn đề trong việc xác định LTT vùng ở Việt Nam
Vấn đề gây tranh luận nhiều nhất là xác định nhu cầu sống tối thiểu (NCSTT) của người lao động và gia đình họ. Nhu cầu sống tối thiểu được xác định trên cơ sở một giỏ hàng hóa LTTP gồm 45 mặt hàng tương ứng với 2.300 Kcalo. Nhu cầu phi LTTP được tính cho bốn vùng với tỷ lệ so với nhu cầu LTTP vùng 1 là 55:45, vùng 2 là 54:46, vùng 3 là 52:48 và vùng 4 là 51:49. Người ăn theo tính theo hệ số 0,7 (1.600/2.300 Kcalo). LTT áp dụng từ 1-1-2016 tương ứng với bốn vùng là 3,5 triệu đồng, 3,1 triệu đồng, 2,7 triệu đồng và 2,4 triệu đồng. Theo các chuyên gia đánh giá mức LTT này đã đạt 70% tiền lương bình quân tại các vùng ở Việt Nam, song lại mới chỉ đạt khoảng 80% NCSTT của người lao động và gia đình họ.
LTT xác định theo vùng hiện nay ở Việt Nam chưa hợp lý. Ví dụ các huyện sát nhau như Vĩnh Bảo - Hải phòng thuộc vùng 1 nhưng huyện Tứ Kỳ - Hải Dương thuộc vùng 3, Ninh Giang - Hải Dương và Thái Thụy, Quỳnh Phụ - Thái Bình lại thuộc vùng 4. Không thể hai khu vực dân cư cạnh nhau chỉ phân biệt bằng ranh giới hành chính lại có NCSTT và LTT khác nhau lớn như vậy.
- Vấn đề gây áp lực nhất đối với doanh nghiệp là LTT ở Việt Nam dùng làm căn cứ xây dựng thang, bảng lương và đóng các khoản bảo hiểm. Khi LTT tăng đương nhiên các khoản trích nộp tăng theo. Trong điều kiện giá sản phẩm gần đây giảm từ 7-10%, doanh nghiệp không có khả năng tăng lương cho người lao động hoặc đầu tư thiết bị, công nghệ mới để tăng năng suất, đầu tư mở rộng. Thu nhập thực tế của đa số người lao động không tăng, thậm chí giảm do bản thân người lao động phải đóng bảo hiểm cao hơn và do giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng theo LTT.
|
|