Các đơn vị logistics cũ lẫn mới đang cật lực chuyển mình để đón sóng nhu cầu của nền kinh tế số ngày một tăng nhờ "cú hích Covid-19". Với 75 năm hoạt động, sở hữu mạng lưới lớn nhất với 2.650 bưu cục, 24.800 tuyến phát khắp cả nước, VNPost có lợi thế hàng đầu trong ngành chuyển phát. Thế nhưng, sự lên ngôi của các công ty chuyên về e-Logistics, tức giao nhận chuyên cho thương mại điện tử, khiến anh cả trong ngành không thể ngồi yên. "Nếu không chuyển đổi số thì đôi khi quy mô về vật lý sẽ là thách thức trong thời gian tới, khi mà nhiều đơn vị không có hạ tầng nhưng phát triển nhanh chóng trong thời gian qua", ông Vũ Kiêm Văn, Giám đốc Công nghệ thông tin VNPost chia sẻ trong một hội thảo gần đây. Không giống như chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn vì đại dịch, Covid-19 cùng xu thế phát triển của kinh tế số ở Việt Nam càng mở rộng nhu cầu về logistics, đặc biệt là e-Logistics. "Nhu cầu chuyển phát bưu gửi sẽ gia tăng do phát triển chính phủ điện tử và kinh tế số, nhưng chúng tôi bị cạnh tranh gay gắt ở phân khúc last mile delivery", ông Văn nói thêm. "Last mile delivery" là thuật ngữ quen thuộc của giới chuyển phát, mô tả sự vận chuyển hàng hóa đến điểm cuối. Phân khúc này chính là thị trường sôi động bởi hàng loạt startup và đại gia nước ngoài đổ bộ để phục vụ giao nhận hàng hóa của thương mại điện tử.
Tài xế giao hàng các hãng trên đường phố TP HCM. Ảnh: Viễn Thông Báo cáo "Thị trường Logistics ASEAN" tháng 8 của Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, ngay cả khi đại dịch được khống chế, người tiêu dùng ASEAN- với cơ cấu dân số khá trẻ và năng động so với nhiều khu vực khác trên thế giới, sẽ tiếp tục khám phá các dịch vụ tiềm năng mới trong mua sắm trực tuyến. "Nhu cầu thương mại điện tử gia tăng này sẽ tiếp tục thúc đẩy khối lượng bưu kiện e-Logistics nhanh chóng trong 2-3 năm tới", báo cáo dự đoán. Theo khảo sát của Redseer1, khoảng 86% số người tiêu dùng Việt Nam sẽ duy trì hoặc tăng mua sắm trực tuyến trong giai đoạn hậu Covid-19. Mặc dù tỷ lệ dịch vụ logistics nội bộ (inhouse logistics) ngày càng được các công ty chú trọng nhưng các dịch vụ logistics bên thứ ba (3PL) được kỳ vọng sẽ chiếm hơn 2/3 tỷ trọng trong thị trường e-Logistics khu vực. Cuộc chơi e-Logistics cũng đang có nhiều những người năng động. Ngoài những cái tên nội địa như VNPost, Viettel Post, AhaMove..., các "đại gia" quốc tế cũng đã có chân tại đây như Grab, Gojek hay LalaMove. Trong đó, Grab, Gojek, LalaMove, AhaMove và 'be'"chiến" với nhau ở phân khúc giao tức thời. Ông Văn nói VNPost đang tiến hành chuyển đổi số. Họ ứng dụng Big Data, AI và nghĩ đến nguồn lực "crowsourcing" - tức các đối tác tài xế giao hàng nhanh kiểu của Grab, AhaMove... bên cạnh đội bưu tá là nhân viên chính thức. Ngoài ra, họ tung bản đồ Vmap phục vụ cho ngành chuyển phát, và mời gọi khách hàng dùng các nền tảng toàn diện để quản trị thương mại điện tử. "Khách hành lớn nhất có doanh thu 10 tỷ mỗi tháng trên nền tảng này. Chúng tôi kỳ vọng từ nền tảng sẽ kinh doanh những sản phẩm, dịch vụ khác nữa", ông Văn nói họ có 500.000 đối tác thương mại điện tử, chủ yếu là hộ kinh doanh nhỏ. Ông Phạm Hữu Ngôn, CEO AhaMove, cho biết AhaMove đang chuyển phát khoảng 100.000 bưu phẩm mỗi ngày. Với ông, thị trường đang tăng trưởng rất tốt. Riêng tại TP HCM, kế hoạch giãn dân về quận 2, 9 và thành lập Thành phố Thủ Đức sẽ càng thúc đẩy nhu cầu giao vận hàng hóa giữa các quận. Tương tự các đối thủ khác, AhaMove cũng tính "đủ đường" để phát triển dịch vụ của mình. Họ đi học kinh nghiệm của nước ngoài rồi dùng công nghệ xây dựng các giải pháp ghép đơn cùng tuyến để tung ra các dịch vụ giao 2h, 4h nhưng giá phải rẻ như giao qua ngày. Hay như việc phát triển tính năng trợ lý ảo cho tài xế và cung cấp các nền tảng thấu hiểu khách hàng, quản trị logistics. "Khi dữ liệu đủ lớn, có hàng trăm nghìn khách hàng, chúng tôi cung cấp dịch vụ thấu hiểu khách hàng bằng Big Data. Với nhóm khách hàng lớn thì cung cấp 'saas platform' (nền tảng giải pháp đám mây chạy trên nền web) cho đội tài xế riêng của họ. Vào thời điểm cao điểm, họ có thể dùng thêm đội tài xế của chúng tôi", ông Ngôn giải thích. PGS TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Đại học Hồng Bàng, chuyên gia phụ trách bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, đánh giá thị trường logistics Việt Nam ngày càng sôi động và cạnh tranh cao. 4 yếu tố tạo điều kiện này bao gồm: các công ty logistics lớn trên thế giới đã và đang thâm nhập vào thị trường nội địa, doanh nghiệp trong nước đã sáp nhập và đổi mới theo xu hướng; công nghệ logistics Việt Nam ngày càng phát triển và cuối cùng là e-Logistics mở rộng. Tuy nhiên, theo khảo sát được thực hiện vào tháng 7 và mới công bố hôm 17/9 của IDG cho biết, hơn 50% người được hỏi nói rằng họ cảm thấy phần mềm của các đơn vị logistics chưa thực sự sáng tạo. Cùng với đó, 37% phản ánh các nhà cung cấp dịch vụ thiếu sự lắng nghe, tương tác qua các kênh mạng xã hội, email. Theo VnExpress
|