Thời gian đăng: 30/3/2016 11:58:20
Nguồn tham khảo : http://tiengnhatcoban.edu.vn/
Chương III : thời đại NARA
7. Kinh thành Heijou
Năm 710, Triều Đình đã cho xây dựng kinh đô Heijou ở Nara dựa theo nguyên mẫu kinh đô Trường An (bây giờ là Tây An) của nhà Đường bên Tàu. Kinh đô Nara được các con đường lớn phân cách theo hàng ngang dọc (thành hình bàn cờ) với cung điện của Thiên Hoàng, dinh thự quý tộc và các ngôi chùa lớn. Kinh đô Nara với những ngôi nhà mái xanh, trụ đỏ, tường trắng theo kiểu nhà Đường được ca tụng trong một bài ca đương thời là "phồn thịnh xinh đẹp như cánh hoa mỹ lệ mới nở".
Kinh đô Heijou là thủ đô của nước Nhật, phồn thịnh khoảng 70 năm và thời đại này được gọi là thời đại Nara (Nara Jidai). Thời đại này thi hành nền chính trị Luật Lệnh (nền chính trị lấy Thiên Hoàng làm trung tâm) dựa trên Taihou Rituryou (Luật Lện năm đầu của niên hiệu Taihou, 701. Đây là tập pháp lệnh gồm 6 cuốn luật, 11 cuốn lệnh), tầng lớp quý tộc sống hào hoa trong sự phồn vinh của kinh đô. Chợ được xây dựng trong kinh đô Heijou. Năm 708 (năm đầu niên hiệu Wadou), đồng tiền được đưa vào sử dụng nhưng sinh hoạt của người bình dân chủ yếu vẫn là trao đổi trực tiếp, vật đổi vật. Nông dân thì có nhiều kẻ sống khổ sở vì lao dịch, binh dịch nặng nề và trong số họ ngày càng có nhiều người bỏ đất đai trốn đi nơi khác.
Thế rồi Triều Đình ra quyết định ban thưởng đất đai mà người dân khai phá được cho họ qua bộ luật "Konden einen shizai hou" (luật đất đai năm 743, theo đó có hạn chế diện tích đất ban thưởng tùy theo địa vị nhưng đất hoang khai khẩn được sẽ là tài sản tư hữu vĩnh viễn). Sau đó tầng lớp quý tộc có thế lực, các đền chùa và hào tộc ở địa phương tranh nhau khai khẩn đất hoang với quy mô lớn nên đất đai tư hữu bắt đầu gia tăng. Những vùng đất tư hữu này (sau này là các trang viên) ngày càng mở rộng và làm cho chế độ "công địa, công dân" vốn là căn bản của chế độ Luật Lệnh sụp đổ. Nền chính trị Triều Đình cũng rối loạn, tầng lớp quý tộc và tăng lữ nắm nhiều đất đai cũng bắt đầu có thế lực trên chính trường.
=> Học các chủ đề tiếng nhật, vui lòng xem tại Cùng học tiếng Nhật
8. Tập thơ Man-youshu
Đầu thế kỷ thứ 8, Triều Đình ra lệnh thống hợp lại hai quyển sách lịch sử là "Kojiki" và "Nihon Shoki" ghi chép những chuyện thần thoại, truyền thuyết về quá trình hình thành, thống nhất lãnh thổ. Triều Đình cũng ra lệnh cho các địa phương viết ra "Phong thổ ký" (Fudoki) của riêng mình. Qua những tập sách này có thể biết được sản vật của từng địa phương cũng như truyền thuyết, nguồn gốc tên gọi của nó và phong tục, tín ngưỡng của con người đương thời.
Tập thơ ca "Man-youshu" (tập thơ ngàn lá) cũng ra đời trong thời gian này.
Tập thơ này có khoảng 4500 bài thơ của nhiều tầng lớp như Thiên Hoàng, quý tộc, quan lại cấp thấp, nông dân cho đến anh lính canh phòng ở miền Kyushu và người ăn mày. Trong số này phải kể đến những bài ca tuyệt mỹ về tự nhiên và lịch sử của thi thánh Kakimoto no Hitomaro, những bài ca về nỗi khổ lạc của cuộc đời của tác giả Yamanoue no Okura, những bài ca lao động và bài ca ái tình cuồng nhiệt. Nét đặc sắc của tập thơ "Man-youshu" là thể hiện cảm tình của cổ nhân một cách trung thực và mạnh mẽ.
Lúc này người Nhật đã bắt đầu sử dụng chữ Hán, nhưng đây là thứ văn tự của ngoại bang nên không thể diễn tả được tinh thần của tiếng Nhật. Vì thế trong văn chương sử dụng Hán văn nhưng nhiều người đã công phu được phương pháp dùng chữ Hán để biểu ký tiếng Nhật, dùng cả âm On(yomi) và Kun(yomi) của Hán tự để biểu thị âm tiếng Nhật. Trong tập thơ "Man-youshu" có nhiều bài ca sử dụng phương pháp này. Loại chữ Hán dùng để biểu thị âm của tiếng Nhật như thế này gọi là Man-you gana (万葉仮名).
9. Đại Phật Nara
Khoảng giữa thời đại Nara liên tục xảy ra mất mùa, dịch bệnh hoành hành khiến nhiều người chết, tranh chấp nổ ra giữa tầng lớp quý tộc và tăng lữ. Thiên Hoàng Shoumu là người tin tưởng Phật pháp nên đã cầu nguyện chư Phật để trấn an lòng bách tính, bảo vệ quốc gia. Ngài cho xây ngôi chùa Toudai-ji (Đông Đại Tự) ở Nara, trong điện chính chính thờ tượng Đại Phật bằng đồng dát vàng cao 16m. (đây là ngôi chùa chính của phái Phật giáo Hoa Nghiêm ở Nara. Chùa được Thiên Hoàng Shoumu phát nguyện xây dựng vào năm 745, điện Phật chính thờ Đại Phật Tỳ Lô Giá Na (Đại Phật Nara), sau bị thiêu hủy trong cuộc binh biến do Danjou Hisahide gây ra. Chùa được trùng tu thời Edo và là công trình gỗ lớn nhất Nhật Bản, nổi tiếng với nhiều tượng Phật là tài sản văn hóa của đất nước)
Bên cạnh (phía tây bắc) của Toudai-ji là Shousou-in, bảo khố cất chứa nhiều món đồ sử dụng của Thiên Hoàng Shoumu. Trong số đó có nhiều món bảo vật là công nghệ phẩm quý từ Trung Quốc, Ấn Độ và Ba Tư. Những món đồ này sau hơn 1200 vẫn còn nguyên vẹn cho đến giờ. Bảo quản được như vậy cũng là nhờ kho Shousou-in có hệ thống thông gió tốt, được xây dựng bằng kiến trúc gỗ phù hợp với phong thổ Nhật Bản, phòng được ẩm móc và nếu không được Thiên Hoàng cho phép thì không được mở cửa kho.
Từ thế kỷ thứ 7 cho đến thế kỷ thứ 9, Triều Đình nhiều lần gửi sứ giả sang nhà Đường (Kentousi) để học tập văn hóa tiến bộ của vương triều này. Đương thời, số lượng sứ giả (Kentousi) và du học sinh lên tới mấy trăm người, mỗi lần lên 4 chiếc thuyền vượt biển nhưng gặp không ít nguy hiểm, có chiếc bị đắm vì bão. Như trường hợp của Abe no Nakamaro, du học sinh đến Đường thổ nhưng không trở về Nhật được mà kết thúc một đời làm quan ở nơi đất khách quê người.
Lại có nhà sư Giám Chân (Ganjin) bên nhà Đường mấy lần toan vượt biển nhưng đều thất bại, phải mất 12 năm ông mới đến được Nhật Bản nhưng lúc này hai mắt đã mù. Sư Giám Chân sau khi đến Nhật cho xây dựng chùa Toushoudai-ji (dòng chính của phái Luật Tông) và bắt đầu truyền bá Phật pháp. Văn hóa thời Nara có quan hệ mật thiết với Phật giáo và cũng chịu ảnh hưởng mạnh từ văn hóa nhà Đường. Về tranh họa thì có tranh Kitijouten (Cát Tường Thiên) ở chùa Dược Sư (Yakusi-ji), tấm bình phong Torige Ryujo (gồm 6 tấm vẽ mỹ nhân đứng dưới gốc cây) ở kho Shousou-in rất nổi tiếng. Về tượng Phật thì có tượng Tứ Thiên Vương (Shitennou, gồm Tamonten tức Đa Văn Thiên, Koumokuten tức Quãng Mục Thiên, Jikokuten tức Trì Quốc Thiên và Zoujouten tức Tăng Trường Thiên), tượng Nhật Quang, Nguyệt Quang Bồ Tát. Những tượng này đều mang vẽ đẹp đầy đặn của con người. Văn hóa thời Heian rực rỡ nhất trong những năm Tempyo, dưới thời Thiên Hoàng Shoumu nên còn gọi là văn hóa Tempyou.
=>Bảng chữ cái katakana và cách viết
Chúc các bạn chinh phục tiếng Nhật thành công!
TRUNG TÂM TIẾNG NHẬT SOFL
Địa chỉ: Cơ sở 1 Số 365 - Phố vọng - Đồng tâm -Hai Bà Trưng - Hà Nội
Cơ sở 2: Số 44 Trần Vĩ ( Lê Đức Thọ Kéo Dài ) - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Cơ sở 3: Số 54 Ngụy Như Kon Tum - Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 62 921 082 Hoặc: (84-4) 0964 66 12 88
|
|