“Anh đừng có nói nữa. Đã không đeo khẩu trang còn nói làm bắt nước bọt thì sao. Anh làm lây chúng tôi đấy!”
Đó là lần thứ n tôi chứng kiến người đeo khẩu trang ta quát vào mặt người khác không có khẩu trang trong thang máy kể từ khi phát hiện ra coronavirus ở Việt Nam. Hành động trên là không hiếm, đi song hành cùng với vô vàn biểu hiện, thái độ như người ta kỳ thị, người ta tố cáo, người ta tranh nhau khẩu trang, người ta co lại, người ta sợ hãi, người ta rỉ tai những tin đồn thất thiệt, người ta share những thông tin giả,… Tôi nghĩ, những biểu hiện đó của dân chúng là có thể hiểu được. Sợ hãi thuộc về bản năng con người để tồn tại; mà nỗi sợ hãi cũng giúp nhân loại vượt qua nhiều bệnh dịch, chiến tranh để sống sót.
| Khách đeo khẩu trang trong một quán cà phê thời dịch bệnh. Ảnh: VietNamNet |
Với dịch Covide19, những biểu hiện, hành động như trên cũng không lạ, nhưng có vẻ quá đi, dù các bác sỹ ngành y của chúng ta đã chống dịch rất bền bỉ và hiệu quả. Hôm qua, bác sỹ Trần Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Xanh Pôn nói với chúng tôi về sự kỳ thị ở chỗ này, chỗ khác đối với người Vĩnh Phúc: “Bản năng của con người sợ hãi những gì người ta chưa biết. Đây là tình cảm nguyên thuỷ… Sợ phản ánh người ta không hiểu vấn đề. Sợ thể hiện con người đó yếu đuối”. “Vĩnh Phúc không đáng thương, mà những người kỳ thị mới là đáng thương vì họ nhận thức sai vấn đề”, ông nói thêm. Ngay cả Vụ phó Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế, ông Vũ Mạnh Cường, một trong những người có vai trò nổi bật về truyền thông, cũng nói: “Tôi đến Vĩnh Phúc tôi không đeo khẩu trang vì tôi biết những vị trí ngoài vùng dịch đều an toàn”. Thực tế, chúng ta đã thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát dịch rất mạnh và rất hiệu quả: tạm ngừng các hoạt động đưa tour du lịch qua lại giữa hai bên, tạm dừng cấp phép đối với các chuyến bay thường lệ giữa hai nước, kiểm soát chặt chẽ giao thương, qua lại cửa khẩu, thực hiện kiểm soát y tế tại các cửa khẩu, hạn chế tập trung đông người, hạn chế các lễ hội và hội họp đông người, cho học sinh, sinh viên toàn quốc nghỉ học, tăng cường truyền thông các thông tin về dịch bệnh và tác động của dịch bệnh. Đến giờ này, phải thừa nhận là công tác phòng chống Dịch bệnh viêm phổi cấp chủng virus corona mới Covid-19, Việt Nam làm rất tốt. Một tuần nay không có thêm ca nhiễm bệnh nào và 16/16 bệnh nhân dương tính đã được chữa khỏi. Nếu không phải chịu thêm tác động của Dịch bệnh từ bên ngoài, có thể nói Việt Nam đã thành công trong việc chống con virus corona. Đây có thể được coi là một thành tích rất đáng kể của ngành y tế. "Thủ tướng khẳng định: Việt Nam là điểm đến an toàn vì những nỗ lực phòng chống dịch rất hiệu quả và các điều kiện tự nhiên khi thời tiết sẽ sớm ấm áp trên cả nước, thời tiết ở miền Trung, miền Nam hiện nay rất thuận lợi. Với các bãi biển nắng ấm, khách du lịch có thể đến Việt Nam để cảm nhận an toàn, khỏe mạnh hơn và có những trải nhiệm thú vị". Trong bối cảnh Thủ tướng muốn đẩy mạnh tuyên truyền với khách du lịch quốc tế thì nhiều địa phương vẫn tiếp tục đề nghị cho học sinh nghỉ học. Chẳng hạn, TP.HCM kiến nghị: "Trước tình hình diễn biến phức tạp khó lường của dịch bệnh Covid-19, trong đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ và chưa có dấu hiệu ổn định trong thời gian ngắn sắp tới" để đề xuất cho học sinh cả nước nghỉ học hết tháng 3/2020. Tất nhiên, về thẩm quyền thì khó trách được những kiến nghị như vậy. Theo Luật sư Trương Thanh Đức, hiện nay có hàng chục luật, vài chục nghị định, hàng trăm thông tư điều chỉnh chuyện học hành, thiên tai & dịch bệnh, với hàng ngàn điều luật, nhưng không có bất cứ quy định cụ thể nào về điều kiện & thẩm quyền cho nghỉ học tại 1 huyện, chứ chửa nói gì đến toàn quốc, tác động lên tới 24 triệu học sinh, sinh viên. Vì vậy, cả tháng nay nhiều địa phương cứ loay hoay, lúng túng, xin xỏ, cho phép nghỉ học, đóng trường để phòng chống dịch với Trung ương quyết định, thay vì tự quyết. Cách hành xử tới đây về việc học sẽ làm rất hiều người đặt câu hỏi: "Tại sao Việt Nam khẳng định là điểm đến an toàn mà lại phải thực hiện những biện pháp đóng cửa trường học toàn quốc?”. Đó là chưa nói, biện pháp đó không được thực hiện ở các quốc gia cũng có dịch bệnh, và không chứng minh thuyết phục được hiệu quả chống dịch. Cá nhân tôi cho rằng, nên mở cửa lại trường học để chứng tỏ hiệu quả của nỗ lực chống dịch; và để tăng lòng tin của người dân đối với hiệu quả đó. Còn đóng cửa trường học thì thật khó thuyết phục ai và tiếp tục gây nghi ngờ về hiệu quả chống dịch nếu trường học bị đóng cửa. Hơn nữa, hệ thống trường dân lập sẽ gặp khó khăn vô vàn về tài chính, mà nhiều tờ báo đã phản ánh, nếu kéo dài hơn đóng cửa trường. Điều quan trong nhất là chúng ta cần làm quen, thích nghi với con covid-19 đó để có tâm lý, chính sách không hoảng sợ, bất an quá đà. Nếu giả sử, một bệnh nhân mới được phát hiện ở một trường nào đó, thì sao? Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang phải vật vã chống con virus này, chúng ta không thể khẳng định miễn nhiễm. Chả lẽ lại đóng cửa trường học trên toàn quốc? Chúng ta cũng cần học cách cách lý, cô lập nếu phát hiện trường hợp nào dính bệnh ở trường học, thay vì nghỉ tràn lan. Đó là cách hiệu quả, nhất quán trong chống coronavirus ở nước ta từ hồi đầu đến giờ, và được người dân ủng hộ. Chống dịch không thể chủ quan, lơ là, nhưng cũng không thể quá lên như hiện nay trong ứng xử của người dân, và những chính sách liên quan. Nhân đây, cũng nên nêu lên thực tế là nhiều tờ báo ở Việt Nam đã dùng từ “đại dịch” trong khi ngay cả WHO, nhiều tổ chức chuyên môn khác và báo chí quốc tế chỉ dùng từ epidemic (bệnh dịch) hay outbreak (đợt bùng phát). Có lẽ, cách dùng từ cũng nên thay đổi để phù hợp với tiêu chí của thế giới và vừa không gây lo sợ với người dân.
|