Nhấn để phóng to ảnh
Thi thể được đưa đi hỏa táng tại Ấn Độ (Ảnh: Reuters).
9 giờ sáng, Arvind Gaekwad và Gautam Ingle, hai nhân viên làm việc tại lò hỏa táng ở Turbhe - khu vực ngoại ô Mumbai thuộc bang Maharashtra phía tây Ấn Độ, tranh thủ nghỉ ngơi trước một ca làm việc bận rộn.
"Một thi thể nữa đang trên đường đến, và nhiều thi thể khác sẽ đến trong ngày hôm nay", họ nói với hãng tin DW.
Người nhà bệnh nhân thông báo cho Arvind và Gautam rằng, thi thể đang được đưa tới lò hỏa táng không phải là nạn nhân Covid-19. Tuy nhiên, giấy chứng tử ghi rằng người này chết vì sốc nhiễm khuẩn do hội chứng suy hô hấp cấp tính, một nguyên nhân tử vong phổ biến ở bệnh nhân Covid-19.
Người nhà không tiến hành xét nghiệm để xác định nạn nhân có mắc Covid-19 sau khi tử vong không. Họ chỉ thông báo cho các nhân viên tại lò hỏa táng rằng, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 6 ngày trước khi chết.
Các nhân viên tại lò hỏa táng bắt đầu chuẩn bị giàn thiêu. Xe cấp cứu đến sau 30 phút.
Ít nhất 30 người cùng tới lò hỏa táng để dự tang lễ của bệnh nhân quá cố, bất chấp quy định phòng dịch. Chính quyền Maharashtra quy định không được tụ tập quá 20 người trong một đám tang.
Các nhân viên lò hỏa táng nói với gia đình bệnh nhân rằng họ nên tuân thủ hướng dẫn của chính quyền, nhưng liền bị gạt đi.
"Chúng tôi cố gắng hết sức để tuân thủ tất cả hướng dẫn của chính quyền. Nhưng nếu gia đình bệnh nhân đánh đập hoặc đe dọa chúng tôi, chúng tôi cũng không thể làm gì được. Chúng tôi chỉ có 5 người, làm sao chống lại 20 đến 30 người", một nhân viên tại lò hỏa táng cho biết.
Arvind cho biết có nhiều trường hợp sau khi hỏa táng xong thi thể, thì vài ngày sau, họ nhận được thông báo rằng người đã mất mắc Covid-19.
"Chuyện đó giống như đang chơi đùa với mạng sống của chúng tôi. Không có gì che chắn cho chúng tôi. Nếu xuất hiện các triệu chứng mắc Covid-19 và cố gắng nhập viện, chúng tôi sẽ bị từ chối (cho nhập viện) vì họ xem chúng tôi là những người "không sạch"", Arvind nói thêm.
Làn sóng Covid-19 thứ 2 đang nhấn chìm Ấn Độ trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh, biến quốc gia Nam Á thành vùng dịch lớn thứ 2 thế giới. Theo Worldometers, Ấn Độ ngày 21/5 ghi nhận thêm 4.209 ca tử vong và hơn 259.000 ca nhiễm mới.
Tính đến nay, số người chết vì Covid-19 tại Ấn Độ sắp chạm ngưỡng 300.000, trong khi số ca nhiễm đã vượt 26 triệu người.
Rủi ro rình rập
Nhấn để phóng to ảnh
Gautam và Arvind chuẩn bị giàn hỏa thiêu (Ảnh: DW).
Khi lau dọn giàn hỏa thiêu, Arvind chỉ dùng một chiếc khăn để che mặt, thay vì đeo khẩu trang N95. Các nhân viên khác tiếp xúc trực tiếp với tử thi cũng không mặc đồ bảo hộ cá nhân.
"Chúng tôi không được coi là nhân viên (chống dịch) tuyến đầu, vì vậy sức khỏe của chúng tôi không được ưu tiên", Arvind cho biết.
Tiền lương của các nhân viên tại lò hỏa táng thậm chí không đủ để trang trải cho việc chăm sóc y tế nếu chẳng may họ nhiễm bệnh.
"Đối với khối lượng công việc mà những nhân viên này đang làm, họ chỉ được trả 15.000 rupee (205 USD) một tháng. Công việc của họ bấp bênh và có thể dễ dàng bị sa thải vì họ là lao động hợp đồng. Họ thậm chí không thể tìm việc ở nơi khác vì không tích lũy được bất kỳ kỹ năng đáng kể nào từ công việc này", Deepak Gaikwad, một nhà hoạt động xã hội tại địa phương, cho biết.
Sahil Singh, bác sĩ tại phòng khám V-Medica ở thành phố Gurgaon, cảnh báo các nhân viên tại lò hỏa táng gặp rủi ro trong mọi quy trình làm việc. Ông nói rằng họ có nguy cơ lây nhiễm nhiều mầm bệnh như HIV, viêm gan, thương hàn, tả, lao, đặc biệt là Covid-19.
Theo Dân Trí
Theo bác sĩ Singh, mầm bệnh có thể lây nhiễm sang các nhân viên hỏa táng nếu họ xử lý thi thể không đúng cách trong quá trình hỏa táng, hoặc thậm chí nhặt xương bằng tay không.
"Nếu bệnh nhân tử vong do nguyên nhân tự nhiên, rất khó để xác định bệnh nhân có dương tính với virus corona hay không. Trong trường hợp đó, thi thể đến lò hỏa táng sẽ không được bọc lại. Điều này làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm cho các nhân viên hỏa táng. Ngay cả khi đó là thi thể của nạn nhân Covid-19, chúng ta vẫn không thể đảm bảo chắc chắn rằng túi đựng thi thể không có virus", bác sĩ Singh cho biết thêm.
"Xe cứu thương cũng là nơi siêu lây nhiễm. Hệ thống y tế bị quá tải đến mức xe cứu thương gần như chỉ đi từ bệnh viện đến lò hỏa táng rồi quay lại. Bạn có nghĩ rằng nhân viên cấp cứu có thời gian để vệ sinh xe mỗi lần không?", ông Singh nói.
Theo bác sĩ Singh, ở những khu vực như Uttar Pradesh và Delhi, nơi thi thể được hỏa táng hàng loạt, các nhân viên lò hỏa táng chỉ kịp đưa thi thể đã được thiêu một phần ra khỏi giàn hỏa táng để nhường chỗ cho những thi thể khác.
Các nhân viên tại lò hỏa táng Turbhe nói rằng, làn sóng đại dịch đang bùng phát cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của họ.
"Chúng tôi làm việc suốt ngày đêm trong tháng 3 và tháng 4. Trung bình có từ 20-25 thi thể được đưa đến mỗi giờ. Xe cứu thương xếp hàng dài bên ngoài lò hỏa táng. Chúng tôi không có thời gian để ăn hoặc uống nước. Lương của chúng tôi không bù đắp được khối lượng công việc chúng tôi đã làm trong hai tháng đó", Arvind nói, đồng thời cho biết anh sợ mắc Covid-19.
"Tôi không biết nhiều về căn bệnh này, nhưng tôi đã tận mắt thấy những thi thể. Nếu đó là cảnh tượng của một người chết vì Covid-19, tôi không muốn mình phải chết như vậy. Mỗi ngày thức dậy tôi đều tự hỏi liệu hôm nay mình có nhiễm virus không", Arvind chia sẻ.
"Tôi cảm thấy bị sốc về tinh thần. Tôi có thể xin nghỉ một hoặc hai ngày nhưng sau đó, tôi phải quay trở lại làm việc, nếu không, họ sẽ trừ lương của tôi. Tôi đã làm việc ở đây gần 20 năm, nhưng tôi vẫn chưa trở thành nhân viên chính thức. Tôi chưa bao giờ muốn làm công việc này, nhưng khó khăn về kinh tế buộc tôi phải cố gắng", Arvind cho biết.