Các loại vắc-xin ngừa Covid-19 đang lưu hành đạt hiệu quả trong tiêm chủng thực tế tốt hơn nhiều so với khi thử nghiệm, kể cả với các biến thể virus. Vào thời điểm các vắc-xin chính thức được triển khai rộng rãi đến công chúng, hàng chục nghìn người đã được tiêm phòng trong các thử nghiệm lâm sàng. Kết quả những nghiên cứu đó đã giúp thế giới nhận biết công hiệu của các vắc-xin như thế nào.
Chẳng hạn, trong 3 loại vắc-xin được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng, các thử nghiệm lâm sàng của nước này đối với loại Pfizer/BioNTech và Moderna cho hiệu quả lần lượt là 95% và 94,1%. Vắc-xin Johnson & Johnson (J&J) khi thử nghiệm ở Mỹ, Brazil và Nam Phi cũng đạt 66% công hiệu phòng ngừa lây nhiễm nói chung và 85% trong ngăn chặn các ca bệnh nặng. Dù chưa được Mỹ phê duyệt sử dụng, nhưng hôm 25/3, hãng dược AstraZeneca cho biết, vắc-xin của họ đạt hiệu quả 76% trong việc ngăn ngừa Covid-19 có triệu chứng, theo một phân tích mới trên các kết quả cập nhật của cuộc thử nghiệm lớn ở Mỹ. Vắc-xin AstraZeneca đạt hiệu quả 100% đối với các dạng bệnh nghiêm trọng hoặc nguy kịch, và cho hiệu quả 85% ở người già từ 65 tuổi trở lên. Theo trang Business Insider, rất khó để so sánh các thử nghiệm của 3 loại vắc-xin đã được cấp phép với nhau vì chúng được thực hiện ở những giai đoạn khác nhau của đại dịch và ở những vùng địa lý khác biệt. Song, việc triển khai tiêm chủng thực tế tại Mỹ đang bắt đầu làm sáng tỏ hơn hiệu quả của các vắc-xin bên ngoài môi trường thử nghiệm và khi đối mặt với các biến thể SARS-CoV-2 mới xuất hiện. Hiệu quả thực tế tốt hơn kỳ vọng Trong một bài phát biểu hôm 17/5, Tiến sĩ Anthony Fauci, Trưởng cố vấn y tế cho chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhấn mạnh: "Như chúng ta đã biết, hiệu quả của dược phẩm trong đời thực thường không tốt như lúc thử nghiệm lâm sàng. Nhưng với vắc-xin Covid-19 thì ngược lại. Chúng đạt hiệu quả tương đương, nếu không muốn nói là tốt hơn so với khi thử nghiệm". Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ trích dẫn nghiên cứu đối với 23.000 nhân viên thuộc Bệnh viện Đại học Tây Nam Texas ở thành phố Dallas, nơi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà từ ngày 15/12 năm ngoái. Tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 ở những người đã được chủng ngừa đầy đủ này chỉ là 0,05%, đồng nghĩa hiệu quả của vắc-xin lên tới 99,95%. Theo báo cáo mới từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cả hai loại vắc-xin Pfizer/BioNTech và Moderna đã làm giảm hơn 94% nguy cơ mắc Covid-19 ở 500.000 nhân viên y tế tuyến đầu đã được tiêm đủ hai liều. Các nghiên cứu gần đây cũng phát hiện, cả hai chế phẩm còn giúp ngăn ngừa các ca không triệu chứng, điều chưa từng biết khi dữ liệu thử nghiệm được công bố. Hiệu quả của 4 loại vắc-xin ngừa Covid-19 trong thử nghiệm lâm sàng so với các vắc-xin cúm, phế cầu và thủy đậu. Ảnh: Healthmag Ông Fauci cũng đề cập đến một nghiên cứu công bố trên tạp chí Lancet hồi đầu tháng 5, trong đó nhóm tác giả đã phân tích ảnh hưởng của vắc-xin Pfizer/BioNTech đối với các ca mắc, nhập viện và tử vong vì dịch ở Israel sau khi Chính phủ Do Thái cho triển khai tiêm chủng toàn quốc từ ngày 20/12/2020. Nghiên cứu đã sử dụng các dữ liệu giám sát quốc gia của Israel trong 4 tháng đầu tiên của quá trình. Chiến dịch bắt đầu vào khoảng thời gian bùng nổ số ca mắc mới ở Israel, vốn dẫn đến việc phong tỏa toàn quốc vào ngày 27/12 năm ngoái. Đợt phong tỏa bổ sung được thực hiện vào ngày 8/1 năm nay. Quốc gia Trung Đông này bắt đầu mở cửa trở lại theo từng giai đoạn vào ngày 7/2 và ngày 21/2 trước khi dỡ bỏ hoàn toàn sắc lệnh phong tỏa vào ngày 7/3. Số ca nhiễm trong ngày sụt giảm khi việc tiêm chủng trở nên phổ biến, đặc biệt giảm tới 95,8% ở những nhóm người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Các tác giả của nghiên cứu kết luận, điều này là nhờ chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đại trà, hơn là quá trình phong tỏa. Ông Fauci lưu ý, số ca mắc mới tiếp tục giảm mạnh ngay cả khi Israel tái mở cửa. Tác dụng thực tế của vắc-xin J&J cũng khớp với kết quả thử nghiệm. Nghiên cứu từ tháng 2 đến tháng 4 tại Trung tâm y tế Mayo (Mỹ) hé lộ, loại vắc-xin một liều này đạt 76% hiệu quả trong ngăn ngừa mọi dạng lây nhiễm SARS-CoV-2, cao hơn mức 74% ghi nhận trong thử nghiệm lâm sàng. Công hiệu trong phòng chống các biến thể Khi các biến thể virus bắt đầu lây lan diện rộng vào tháng 12 năm ngoái, một số nhà khoa học từng lo ngại vắc-xin của Pfizer và Moderna sẽ ngưng phát huy hiệu quả như vào mùa hè và mùa thu. Đó là bởi vì các thử nghiệm giai đoạn cuối của những hãng dược này diễn ra khi các biến thể mới chưa phổ biến. Ngược lại, thử nghiệm giai đoạn cuối của vắc-xin J&J diễn ra muộn hơn, từ tháng 9/2020 - 1/2021. Thử nghiệm đã bao gồm các ca mắc B.1.351, biến thể được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi. Biến thể này cho thấy khả năng qua mặt phần nào các kháng thể do tiêm vắc-xin hoặc mắc bệnh tự nhiên trước đó. Tuy nhiên, một nghiên cứu quy mô lớn với những người được chủng ngừa bằng chế phẩm của Pfizer ở Israel cho thấy, các biến thể mới không làm giảm hiệu quả của vắc-xin. Nhân viên y tế đang tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của Pfizer-BioNtech cho người dân tại Trung tâm tiêm chủng Maccabi ở Tel Aviv, Israel. Ảnh: Business Insider Từ tháng 1-3 năm nay, giai đoạn Bộ Y tế Israel thu thập dữ liệu từ hàng triệu người tiêm chủng, biến thể B.1.1.7 có nguồn gốc từ Anh là chủng virus thống trị ở nước này. Song, vắc-xin Pfizer đã chứng minh hiệu quả ít nhất 97% trong ngăn ngừa các ca có triệu chứng, số trường hợp phải nhập viện và số ca tử vong. Vắc-xin trên cũng hoạt động tốt với các biến thể ở Qatar. Cụ thể, những người ở Qatar đã được tiêm đầy đủ vắc-xin Pfizer có nguy cơ mắc bệnh do B.1.351 gây ra thấp hơn 75% so với những người không được chủng ngừa. Họ cũng giảm khoảng 90% nguy cơ mắc bệnh do biến thể B.1.1.7 hơn. Tác dụng phụ ít phổ biến hơn Các vắc-xin ngừa Covid-19 thường gây ra những phản ứng phụ dạng nhẹ, tồn tại trong thời gian ngắn cả ở trong và ngoài thử nghiệm lâm sàng. Song, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, tác dụng phụ bất lợi của vắc-xin Pfizer thực tế có thể ít phổ biến hơn. Theo trang Business Insider, khoảng 63% người tham gia thử nghiệm lâm sàng của Pfizer cho biết họ cảm thấy mệt mỏi, 55% báo cáo đau đầu và 38% bị đau cơ. Song, trong 28.000 người tiêm vắc-xin của hãng ngoài thực tế, chưa tới 15% bị mệt mỏi sau liều đầu tiên hoặc thứ hai. Dưới 14% nói bị đau đầu và gần 5% bị đau cơ sau khi mũi tiêm đầu tiên hoặc thứ hai. Tác dụng phụ ghi nhận ở những người tiêm một trong 3 loại vắc-xin Pfizer/BioNTech, Moderna hoặc Johnson & Johnson (J&J). Ảnh: Healthmag Đối với vắc-xin J&J, tính đến tuần trước, CDC xác định được 28 ca mắc hội chứng giảm tiểu cầu, một sự kết hợp hiếm gặp giữa các cục máu đông với số lượng tiểu cầu thấp, trong tổng số 8,7 triệu người đã chủng ngừa. Dữ liệu tương đương tỷ lệ xuất hiện tác dụng phụ nặng sau khi tiêm vắc-xin cực thấp, chỉ nhỉnh hơn 0,0003%. Các chuyên gia nói, điều này chấp nhận được. Nhà chức trách Mỹ khuyến khích tiếp tục sử dụng vắc-xin J&J, vì lợi ích đem lại lớn hơn nhiều so với rủi ro. Có thể nói, các loại vắc-xin đang lưu hành đã chứng minh hiệu quả đến mức CDC hôm 13/5 tuyên bố, những người Mỹ đã tiêm phòng đầy đủ có thể tham gia vào bất kỳ loại hoạt động nào, dù lớn hay nhỏ, trong nhà hay ngoài trời, mà không cần đeo khẩu trang hoặc giãn cách. Theo giáo sư dịch tễ học Anne Rimoin thuộc Đại học California ở Los Angeles, kết luận trên thể hiện sự tin tưởng của nhà chức trách y tế ở xứ sở cờ hoa đối với các loại vắc-xin này cũng như khả năng bảo vệ thực sự của chúng trước mầm bệnh nguy hiểm. "Nếu chúng ta tiêm vắc-xin cho đông đảo người dân, chúng ta chắc chắn sẽ có thể dập tắt sự bùng phát dịch theo cách giống như chúng ta đã làm với các bệnh khác như sởi, đậu mùa và bại liệt. Vì vậy, thông điệp là hãy đi tiêm phòng", ông Fauci nhấn mạnh.
Theo Vietnamnet
|