Thời gian đăng: 18/11/2015 15:38:10
Khi nói về chủ đề gia sư bách khoa, dường như tất cả các bạn sinh viên đều có thể diễn tả về nó một cách rành mạch.
Xa lộ của những giấc mơ giảng đường
Thanh Phúc (năm 4, đại học Bách khoa) đã có thâm niên 3 năm trong nghề gia sư chia sẻ: “Tui nhận hai lớp, mỗi tuần dạy 6 buổi tối, lương cũng đủ chi tiêu cho việc học và tiêu dùng”. Bố mất khi Phúc mới kết thúc học kì đầu của năm 1, kinh tế gia đình cũng đi xuống từ đó. “Nếu không đi làm gia sư, Phúc phải từ bỏ giảng đường từ lâu rồi!”. Vừa nói xong, anh chàng tất tưởi dắt con ngựa sắt “chạy sô” tới nhà học trò.
Hoàn cảnh gia đình cũng không khác gì Phúc, Liên (năm 2, Đại học Sư phạm) cố nở nụ cười nhưng vẫn không thể che dấu được nỗi buồn: “Nhà mình nghèo, ba má chỉ làm được mấy sào ruộng nên lấy tiền đâu ra mà gửi vô hàng tháng, phải tự túc tiền ăn, tiền nhà bằng nghề gia sư vậy!”. Nhờ vốn tiếng Anh khá vững nên Liên chỉ nhận một lớp. Hỏi lương thì cô nàng chỉ cười: “Đủ sống!”...
Quả thật nghề gia sư chính là một trong những vị cứu tinh quan trọng giúp cho các bạn sinh viên hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ của mình trên giảng đường. Theo nhiều bạn, gia sư là công việc không tốn quá nhiều sức lực như những việc làm thêm khác: phát tờ tơi, bán hàng, tiếp thị… mà lương lại khá cao nếu tính theo giờ.
Quân, Tình (năm 1, Đại học Kinh tế) bộc bạch kinh nghiệm sau hai tháng “hành nghề”: “Cũng đâu có gì khó, tụi tui chỉ cần tới dò bài, chỉ cho học trò làm một vài bài tập mẫu là… hết giờ cái vèo! Mấy thằng nhóc đó thông minh lắm, chỉ gợi ý một tẹo là hiểu ngay!”.
Hoàng (năm 1, Đại học Sư phạm ) hớn hở: “Phụ huynh vừa thưởng nóng một tháng lương vì học trò mình lần đầu tiên lọt vào đội tuyển thi học sinh giỏi môn văn của trường. Nếu cô bé kiếm được một giải cấp thành phố thì thế nào “sư phụ” đây cũng được tăng lương!”. Như chưa bày tỏ hết được cảm giác lâng lâng vì sung sướng , anh chàng chú thích thêm: “Tháng này tiền nhà tăng, nhưng giờ thì khỏi lo rồi!”
Đối với những bạn sinh viên gia đình khá giả thì khác, khoản lương từ việc đi làm gia sư giúp cho các bạn có thể làm những gì mình thích. Cặp đôi thân thiết Linh (năm 2, ĐH Ngoại thương) và Hoa (năm 2, ĐH Y dược) cười, chìa ra hai chiếc điện thoại Nokia 5300 cáu cạnh khoe: “Mới tậu nhờ khoản tiền dành dụm đi dạy kèm đấy! Đẹp không? Nếu không làm gia sư thì có mà mơ nhé!”. Bích Hường (Năm 3, HV Bưu Chính viễn Thông ) khiến cho tất cả mọi người phải lác mắt vì chiếc xe Mio Classico mà cô nàng vừa sắm được trong dịp tết. “Thành quả của hai năm đi làm gia sư quận 5 và cộng tác viên báo chí đấy! Năm nay mình sẽ cố dành dụm để ẵm về chiếc laptop nữa!”. Thật đáng khâm phục! Khâm phục!
Những con hẻm cụt
Thật sự thì nghề nào cũng có những khó khăn của nó, gia sư cũng không ngoại lệ. Không phải sinh viên nào cũng bước vào công việc dạy kèm một cách suôn sẻ, có nhiều bạn phải từ bỏ nó vì gặp phải quá nhiều rối rắm do nó gây ra.
Chân, Diễm (năm 1, Đại học sư phạm) cạch tới già khi nghe nhắc tới hai chữ gia sư: “Hai đứa được một trung tâm X ở đường CMT8 giới thiệu đi dạy cho hai anh em lớp 6 với lớp 8. Hôm tụi mình đi gặp phụ huynh thì lại đụng ngay một cặp khác cũng tới đòi nhận lớp vì trung tâm X giới thiệu.
Gặp ngay thứ dữ, cặp đó chửi tụi mình là đồ cướp giật và đòi kêu bạn trai tới uýnh cho biết mặt nữa!”. Nghe hăm doạ như thế nên hai cô nàng sợ quá, từ bỏ “giấc mộng gia sư” không chút lưu luyến.
Chuyện sinh viên bị trung tâm cướp cạn những 40% tháng lương đầu tiên không phải là hiếm. Điển hình như Thuỳ Trang, Ngọc Cảnh (Đại học kinh tế) cùng bức xúc: “Họ bảo mình nộp tiền rồi giới thiệu lớp. Nhưng địa chỉ họ giới thiệu tới toàn là có người dạy rồi hay không có thật. Mỏi mòn sau một tháng tìm kiếm, hai đứa đòi tiền lại thì họ trơ trẽn bảo lâu quá rồi, không trả! Đúng là quân ăn cướp trắng trợn!”
Trở lại với chiêu bài nói dối, nhiều bạn sinh viên đã phải lâm vào nhưng tình huống oái ăm. Như cô bạn Thuỷ (năm 1, Đại học Khoa học tự nhiên) cũng nghe lời chỉ bảo của bạn bè, nói dối với trung tâm là sinh viên năm 3 để có lớp lương cao. Trung tâm hỏi thẻ sinh viên thì cô nàng lại quên khuấy đi mất, vô tư đưa ra bằng chứng lật tẩy mình để… bị chửi! “Mấy người ở đó dữ dằn thật, may mà chưa đóng phí chứ nếu không thì cũng đi toi!”.
Nhưng Thuỷ còn may chứ tình cảnh của Luân (năm 2, Đại học Kinh tế) còn bi đát hơn: “Trung tâm bày mình giả làm giáo viên, ban đầu cứ tưởng trót lọt. Không ngờ đến cuối tháng, mình nhỡ tay làm rơi thẻ sinh viên ra cho phụ huynh nhặt được thế là… lộ tẩy. Không tiền lương, không được đi dạy nữa, còn bị doạ là sẽ thông báo cho trường biết vì… tội lừa đảo! Chắc mình tởn tới già! Không dám mơ làm gia sư nữa!”
Những khó khăn không chỉ dừng lại ở đó mà có cả muôn vàn, nhiều bạn sinh viên cứ than thở là gặp phải học trò quá lì lợm hay cực mít ướt (la một tí là khóc um cả lên), phụ huynh lại khó tính, cứ bênh con chằm chặp nên việc dạy không đạt hiệu quả và rất dễ nản lòng, ...
Và để tổng kết lại bài viết này tôi chỉ dám đưa ra một nhận định thông qua ý kiến của tất cả các bạn sinh viên đã và đang làm gia sư toán: “Không phải ai muốn đi dạy kèm là được cả đâu, hên xui thôi!”. Vâng, thật sự thì hên- xui thôi. Nhưng tôi mong là cái hên ấy sẽ đến với các bạn nhiều hơn sau khi đọc được bài viết này.
(Theo Mực Tím)
|
|