Thời gian đăng: 24/12/2015 17:35:25
Các tuyến xe dễ quá tải trong dịp Tết
Sau lịch nghỉ tết dương lịch và cũng là thời điểm vận tải Tết vào mùa do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao đột biến. Các vấn đề về số tuyến dễ xảy ra quá tải, giá vé… luôn được hàng triệu người dân quan tâm.
Gần 2.700 lượt xe phục vụ hành khách dịp Tết ở Hà Nội
Theo Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết, dự kiến lượng khách đi xe vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán 2016 sẽ tăng từ 20-40% so với ngày thường. Vào dịp Tết Dương lịch, lượng khách sẽ tăng cao hơn cao điểm cuối tuần thường ngày. Hiện các phương tiện vận tải trên các bến đang hoạt động mới đạt bình quân hơn 50% ghế, vì vậy, số xe đang hoạt động cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách. Tuy nhiên, hành khách cần chú ý, một số tuyến sẽ có tình trạng ùn tắc cục bộ như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Vinh, Sơn La, Lào Cai… Một số thông tin khác mà hành khách cần lưu ý khi đi xe trong dịp Tết Nguyên đán là cao điểm đi xe dự đoán sẽ diễn ra trong các ngày từ 29/1 đến hết ngày 6/2/2016 vì đây là ngày người lao động tự do, sinh viên, cán bộ công nhân viên chức… bắt đầu kỳ nghỉ Tết Âm lịch 2016.
Ký cam kết giá - chủ xe có thu đúng?
Cùng với lượng xe cung ứng thì giá vé xe tết luôn là vấn đề “nóng” trong mùa cao điểm vận tải khách. Như thường lệ, các đơn vị vận tải từ Bắc vào Nam sẽ có động thái tăng giá vé để bù rỗng vì xe gần như chỉ chạy một chiều. Tại miền Nam, tính minh bạch trong công bố và quản lý giá vé được thể hiện qua việc các đơn vị vận tải có văn bản xin đề nghị tăng giá vé để bù chạy rỗng và được cơ quan chức năng chấp thuận. Mức tăng thường niên dao động từ 40 - 60% trên tất cả các tuyến chạy ra Bắc hoặc về miền Tây. Còn tại khu vực miền Bắc, do muốn cạnh tranh và xuất phát từ tâm lý “nhòm trên, ngó dưới” cũng như muốn “nhập nhèm” trong giá vé nên số đơn vị đăng ký tăng giá cước không nhiều. Tuy nhiên, khi vào mùa cao điểm phục vụ Tết thì giá vé vẫn tăng ở mức từ 150-200% tùy tuyến.
Đơn cử, từ Hà Nội về các tuyến huyện ở Nghệ An, Hà Tĩnh và ngược lại, vào thời gian cao điểm từ sau 23 tháng Chạp năm cũ đến ngày 20 tháng Giêng năm mới, giá vé luôn tăng cao ở mức trên 150% so với thường ngày. “Nếu như ngày thường, hành khách chỉ phải mất từ 180.000 - 200.000 đồng/chiều thì đến cao điểm Tết, mức giá vé được đẩy lên phổ biến ở mức từ 300.000 - 350.000 đồng/chiều, thậm chí có không ít hành khách đã từng phải chi ra 400.000 đồng/chiều, chưa kể mức phí gửi xe máy. Với loại phí này, chủ xe thường nhìn mặt xe máy để “hét giá”, xe càng đắt phí càng cao. Xe rẻ tiền thì cũng phải mất mức 300.000 đồng/chiều, xe ga, xe SH thì mức phí mà chủ xe phải chi ra là 400.000-500.000 đồng/chiều” – anh Phạm Tuấn Anh, hành khách đi tuyến Hà Nội – Hà Tĩnh cho biết.
Điều đáng nói là vào cao điểm Tết, việc yêu cầu chủ xe niêm yết, việc cơ quan chức năng vào cuộc để kiểm soát giá cước luôn được nhắc đến. Tuy nhiên, chủ xe thực hiện như thế nào thì chỉ có báo chí, người dân lên tiếng. Theo kế hoạch, ngày 25/12 tới đây, tại Hà Nội, tất cả các đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định tại toàn bộ bến xe trên địa bàn sẽ phải ký cam kết về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và không thu tiền cao hơn giá vé đã đăng ký, không chở quá số người theo quy định. Như vậy, từ nay đến ngày 25/12 tới, các doanh nghiệp vận tải sẽ phải hoàn chỉnh việc xin tăng và công bố giá cước dịp Tết. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, việc ký cam kết thì năm nào, doanh nghiệp nào cũng làm nhưng trên thực tế nhiều nhà xe vẫn thu tiền cao khiến hành khách bức xúc.
Công an sẽ vào cuộc triệt phá cò mồi
Kế hoạch phục vụ vận tải Tết nguyên đán Bình Thân tại Hà Nội cho thấy, các BX sẽ phối hợp với công an trên địa bàn để triệt phá cò mồi và các đối tượng rê dắt khách. Cùng đó, công an sẽ kiểm tra và ngăn chặn tận bến việc vận chuyển chất nổ, chất cháy như pháo lậu, hàng giả, hàng cấm…
|
|